"Các thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang từng bước hướng tới một lập trường chung và nhất quán hơn để phản đối Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng, trong đó đáng chú ý là cùng là tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực", giáo sư Jay Batongbacal, Đại học Philippines, nói trong hội thảo trực tuyến về các thách thức trên biển của Đông Nam Á do đại sứ quán Mỹ tại Philippines tổ chức ngày 15/5.
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, trong đó bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" Trung Quốc đơn phương vẽ ra nhằm tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ Biển Đông.
Theo Batongbacal, xu hướng trên cho thấy sự cần thiết phải thống nhất lập trường chung giữa các thành viên ASEAN để tạo thành một nền tảng trong xử lý vấn đề Biển Đông với Trung Quốc trong tương lai.
Đồng tình với nhận định trên, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết các nước ASEAN đang thể hiện xu hướng đề cao vai trò của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đặc biệt là phán quyết Biển Đông, trong hành xử của quốc gia.
Tiến sĩ Sơn cho hay sau hơn ba năm im lặng sau phán quyết của PCA, Philippines năm 2020 đã đưa phán quyết này vào các tài liệu chính thức của mình. Trong Công hàm ngày 6/3 gửi Liên Hợp Quốc nhằm phản đối Trung Quốc, Philippines đã lấy phán quyết Biển Đông làm căn cứ để củng cố lập trường của mình.
"Đây là một sự kiện đáng chú ý. Philippines đã không từ bỏ phán quyết như nhiều bên vẫn tưởng", ông Sơn nói.
Malaysia và Việt Nam, trong các công hàm gửi lên LHQ cuối 2019 và đầu năm 2020, tuy không trực tiếp đề cập đến phán quyết, đều thể hiện sự nhất trí với văn bản này, ông Sơn cho biết.
Chuyên gia Việt Nam lưu ý các thành viên ASEAN khác cũng công khai công nhận phán quyết 2016 của PCA. Hồi đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Indonesia trong tuyên bố phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển phía bắc Natuna đã dẫn lại phán quyết của tòa.
Ngay cả Singapore, quốc gia thường tránh đề cập trực tiếp phán quyết, cũng đã "phá lệ" khi Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen đề cập phán quyết của PCA tại Đối thoại An ninh Munich, Đức, hồi tháng 2.
"Điều rất quan trọng là 5 thành viên ASEAN ven Biển Đông giờ đây đã thảo luận hoặc công nhận phán quyết của tòa, và ASEAN cần khuyến khích, thúc đẩy xu hướng căn cứ nhiều hơn vào UNCLOS để thiết lập và duy trì trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông", ông nói.
Tiến sĩ Sơn đề xuất ASEAN nên khuyến khích Brunei đề cập đến UNCLOS và phán quyết của PCA trong các phát ngôn và văn bản chính thức của mình để duy trì xu hướng trên.
"ASEAN cần thúc đẩy hơn nữa việc thảo luận về vấn đề Biển Đông tại các hội nghị, không tạo ra ấn tượng rằng vấn đề của được đề cập bằng một vài lời lẽ trong tuyên bố chủ tịch hay tuyên bố chung ASEAN", ông Sơn nói.
Đánh giá tầm quan trọng của phán quyết do PCA đưa ra, Batongbacal cho rằng phán quyết có thể trở thành nền tảng tạo nên thống nhất của Hiệp hội trong thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông.
Ông lưu ý Trung Quốc chỉ có thể phản đối phán quyết của PCA nếu chứng kiến các nước ASEAN chia rẽ quan điểm về văn bản này. Nếu Hiệp hội duy trì xu hướng thống nhất hiện nay, Batongbacal trông đợi ASEAN sẽ có giải pháp bền vững hơn để xử lý tranh chấp.
Đề cập đến việc Covid-19 bùng phát khiến các nước ASEAN không thể gặp trực tiếp để thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Batongbacal cho rằng đây có thể là cơ hội để các thành viên ASEAN nhìn lại chiến lược quốc gia.
"Các nước ASEAN không nhất thiết phải gặp trực tiếp để bàn về COC, mà có thể thúc đẩy các thảo luận song phương, trước khi nêu lên lập trường chung với Bắc Kinh", Batongbacal nói.
Tiến sĩ Sơn cho rằng Covid-19 đã khiến các cuộc thảo luận về COC bị trì hoãn trong nửa năm qua, nhưng ASEAN vẫn nên tái kết nối với Trung Quốc về vấn đề này, ít nhất là để thể hiện sự ủng hộ với chủ nghĩa đa phương. "Đây cũng là một cơ hội để các lãnh đạo Trung Quốc, khi tính toán chính sách của mình với Biển Đông, nhận ra rằng vẫn tồn tại ngoại giao đa phương trong khu vực", ông nói.
Trong khi duy trì thảo luận COC với ASEAN trên bàn đàm phán, Trung Quốc từ đầu năm 2020 thực hiện một loạt hành vi như đâm chìm tàu cá Việt Nam, điều tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia, tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính trái phép ở Trường Sa, điều máy bay và tàu đến Biển Đông.
"Trung Quốc cần xem lại cách hành xử của mình và thể hiện thiện chí, quyết tâm chính trị, để cho thấy Bắc Kinh muốn thúc đẩy COC", ông Sơn nói.
Dự đoán hành động sắp tới của Trung Quốc trên Biển Đông, Sumathy Permal, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hàng hải Malaysia (MIMA), cho rằng Bắc Kinh sẽ gia tăng quyết tâm kiểm soát vùng biển này. Từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc không chỉ thực hiện các biện pháp cũ mà còn gia tăng yêu sách của mình trong khu vực. Một ví dụ là Trung Quốc áp lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông, hành động mà Việt Nam luôn phản đối.
Theo Tiến sĩ Sơn, nếu các nước để Trung Quốc "tự tung tự tác" ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ áp dụng cách hành xử như vậy với tất cả các nước khác trên thế giới. Bởi vậy, các nước cần đề cao trật tự dựa trên luật lệ, điều mang lại lợi ích chung cho cộng đồng quốc tế.
Batongbacal cảnh báo nếu một vài nước ven Biển Đông điều chỉnh cách hành xử của mình theo yêu cầu của Bắc Kinh do bị gây sức ép hoặc muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, ASEAN sẽ bị chia rẽ, đánh mất vai trò trong vấn đề Biển Đông và rất khó nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
"Ngược lại, nếu ASEAN thống nhất được quan điểm về lợi ích chung và phối hợp hành động, chúng ta vẫn có hy vọng rằng chính Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh hành vi của mình theo luật quốc tế và thừa nhận vai trò quan trọng của ASEAN", Batongbacal nói.