"Những thách thức mà ASEAN hiện phải đối mặt đã lớn hơn trước đây. Để giải quyết các thách thức đó, sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận trong ASEAN là rất quan trọng", ông Rizal Sukma, cựu đại sứ Indonesia và hiện là thành viên cấp cao của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS) ở Jakarta, chia sẻ tại hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông sáng 19/11.
Theo ông Rizal, những thách thức mà ASEAN đang đối mặt là trật tự thế giới mới nổi, cạnh tranh giữa các siêu cường, cũng như việc đưa ra tiếng nói thống nhất, đồng thuận với các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cựu đại sứ Indonesia thêm rằng làm thế nào để thể hiện được vai trò trung tâm, giúp lèo lái và giải quyết các vấn đề khu vực cũng là một điều rất quan trọng đối với ASEAN hiện nay.
"ASEAN cần phải nhận thức được các nước thành viên không thể đứng riêng lẻ. Khi gặp vấn đề gì, ASEAN cần giải quyết với tư cách là một khối, một tập thể thống nhất. Đây là điều mà tôi nghĩ ASEAN cần tập trung hướng đến trong thời gian tới", ông nói.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm và được xem là một trong những trọng tâm chính sách của Mỹ hay các nước Liên minh châu Âu (EU).
"Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực này và xem ASEAN là một đối tác chiến lược", Igor Driesmans, Đại sứ EU tại ASEAN, nói, thêm rằng lợi ích và mối quan tâm của EU ở khu vực Biển Đông là rất lớn. EU cũng ủng hộ và mong muốn ASEAN tiếp tục duy trì vai trò trung tâm trong khu vực.
Bình luận bên lề hội thảo, ông Bùi Thế Giang, nguyên đại sứ và phó trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nói rằng vai trò trung tâm ngày càng được quốc tế công nhận của ASEAN là cơ hội nhưng cũng là thách thức với khối.
"Cộng đồng quốc tế sẽ đòi hỏi nhiều hơn về vai trò trung tâm của ASEAN. Để thể hiện được vai trò này, nội bộ khối phải có sự đồng thuận và các thành viên ASEAN phải hỗ trợ nhau để phát triển đồng đều", ông nói. "Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau".
Phát biểu trong hội thảo, cựu đại sứ Indonesia Rizal thêm rằng ASEAN cần biến những lời nói thành hành động thực tiễn, để thúc đẩy vai trò của khối.
"Chúng ta cần có những hành động thực tế, như tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển, tăng cường hợp tác ASEAN về giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống", ông Rizal chia sẻ. "ASEAN không thể chỉ dựa vào các quy tắc hay học thuyết, mà cần những hành động cụ thể hơn".
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, đã đề xuất ý tưởng ASEAN hợp tác cùng nhóm Bộ Tứ (hay ASEAN + 4), gồm 4 nước Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Ông cho rằng với những lợi ích, mối quan tâm trùng lặp của ASEAN và Bộ Tứ, đây có thể là nền tảng cho sự hợp tác trong tương lai.
"Bộ Tứ đã xử lý những vấn đề mà ASEAN cũng quan tâm, như Covid-19, vaccine, phục hồi kinh tế, biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng... Tôi cho rằng ASEAN và Bộ Tứ sẽ tạo ra một diễn đàn trao đổi về mặt chiến lược và hợp tác một cách tích cực", ông Thayer nói.
"Nhóm Bộ Tứ hiện tại không phải là một liên minh về hải quân, nó còn tập trung vào nhiều mục tiêu khác", Sujan Chinoy, cựu thứ trưởng ngoại giao Ấn Độ và hiện là giám đốc Viện phân tích và nghiên cứu quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi, nói. "Sự quan tâm của nhóm Bộ Tứ hiện tại đối với khu vực mang đến cơ hội cho ASEAN phối hợp giải quyết những vấn đề, như xây dựng bộ quy tắc ứng xử".
Áp lực chọn phe trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ - Trung được cho là đang ngày càng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Giới quan sát nhận định hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung hôm 16/11 giúp ngăn căng thẳng giữa hai quốc gia bùng phát thành xung đột, nhưng chưa thể xua tan được mối lo ngại rằng căng thẳng Washington - Bắc Kinh sẽ tiếp tục gia tăng.
Thanh Tâm