Trung Quốc đơn phương vạch ra "đường chín đoạn", yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông dựa trên "quyền lịch sử", bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực.
Tại Hội nghị Khoa học về Biển Đông diễn ra tại Hà Nội ngày 18/11, ông Carl Zha, nhà nghiên cứu độc lập Trung Quốc, đưa ra một số cái gọi là "bằng chứng lịch sử", cho rằng Trung Quốc đã hiện diện và tuyên bố chủ quyền với các đảo ở Biển Đông từ nhiều thế kỷ trước.
Theo ông Zha, các đảo ở Biển Đông từng được ghi trong tài liệu của nhà Tống vào thế kỷ 13, hay xuất hiện trong ghi chép về các chuyến đi của nhà thám hiểm Trịnh Hòa người Trung Quốc, cũng như được đánh dấu trong bản đồ của nhà Thanh năm 1810.
Zha còn cho rằng chính quyền thực dân Pháp những năm 1910-1920 đã "ít nhiều" công nhận các quần đảo ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc.
Tuy nhiên, các diễn giả trong phiên thảo luận thứ tư tại hội thảo Biển Đông đã bác bỏ lập luận này của nhà nghiên cứu Trung Quốc.
"Việt Nam là nước đầu tiên tuyên bố chủ quyền và là nước duy nhất liên tục quản lý Hoàng Sa, Trường Sa theo luật pháp quốc tế", tiến sĩ Vũ Hải Đăng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore, khẳng định.
Ông dẫn chứng ngay từ thế kỷ 15, triều Nguyễn đã cử quan lại tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thu thuế tàu thuyền qua hai quần đảo. Ngoài ra, hoạt động của đội tàu Hoàng Sa cũng được ghi lại trong văn bản chính thức của nhà Nguyễn.
Tiến sĩ Bill Hayton, chuyên gia cấp cao tại Chương trình châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Chatham ở Anh, cho biết không có chính quyền Trung Quốc nào từng tuyên bố chủ quyền hay hình thức quản lý nào ở Hoàng Sa trước năm 1909. Ông nói Trung Quốc thậm chí từng từ chối bồi thường trong một sự cố tàu ở Hoàng Sa vào cuối những năm 1890, khi nói rằng quần đảo không phải là một phần lãnh thổ của nước này.
"Trước đầu thế kỷ 20, không một quan chức nào của Trung Quốc nghĩ đến việc sở hữu hoặc quản lý các bãi đá ngầm hoặc rạn san hô ở Hoàng Sa", Hayton nói.
Giáo sư Minique Chemillier-Gendreau của Đại học Diderot Paris, Pháp cho biết Hiệp ước San Francisco năm 1951 hay Hòa ước Trung - Nhật năm 1952 đều không đề cập tới việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo không bị bác bỏ.
Tiến sĩ Vũ Hải Đăng chia sẻ sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam tiếp tục duy trì và bảo vệ chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện nay, nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại đã được xây dựng ở Trường Sa để phục vụ cuộc sống của người dân ở đó, như trường học, cơ sở y tế, chùa chiền.
"Rất nhiều trẻ em Việt Nam đã sinh ra tại quần đảo Trường Sa", tiến sĩ Hải Đăng cho hay, thêm rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa, cũng như khẳng định những tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 diễn ra ngày 18-19/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm cung cấp cái nhìn rõ hơn về diễn biến tình hình ở Biển Đông cũng như xu hướng khu vực trong thời gian tới dưới góc nhìn của các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới.
Thanh Tâm