Các tổ chức nhân quyền và truyền thông cho biết quân đội Azerbaijan đã sử dụng bom chùm M095 DPICM, do Israel sản xuất, nhằm vào các khu dân cư tại Stepanakert, thủ phủ vùng ly khai Nagorno-Karabakh.
Bằng chứng về việc "Azerbaijan sử dụng bom chùm" được thu thập hôm 8/10, khi giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan bước sang ngày thứ 11 và các bên trung gian hòa giải đang nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên.
Bom chùm bị cấm theo Công ước về Bom và đạn chùm (CCM), được hơn 100 nước ký, song Armenia và Azerbaijan đều không phải thành viên. Loại vũ khí này phát tán các quả bom con, chúng có thể không phát nổ khi va chạm với mục tiêu và tiềm ẩn mối đe dọa với dân thường rất lâu sau khi xung đột kết thúc.
Việc sử dụng bom và đạn chùm chủ yếu được ghi nhận tại Stepanakert, nơi đang bị lực lượng Azerbaijan pháo kích bằng nhiều loại vũ khí, trong đó có tổ hợp pháo phản lực BM-30 Smerch có thể phóng đầu đạn mang bom chùm.
Sau khi ảnh về những quả bom con xuất hiện trên mạng Internet, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết các chuyên gia của họ có thể truy vết vũ khí được dùng ở Stepanakert.
"Việc sử dụng bom chùm trong mọi tình huống bị luật nhân đạo quốc tế cấm, sử dụng chúng để tấn công các khu dân cư là đặc biệt nguy hiểm và gây ra thêm thương vong", quyền Trưởng bộ phận Nghiên cứu Đông Âu và Trung Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế Denis Krivosheev nói.
Tuy nhiên, Azerbaijan phủ nhận cáo buộc quân đội nước này sử dụng bom chùm ở Nagorno-Karabakh, đồng thời tố Armenia dùng vũ khí này tấn công đường ống dẫn dầu Baku - Tbilisi - Ceyhan.
Hikmet Hajivev, trợ lý Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, ngày 6/10 đăng đoạn tweet cho biết một quả rocket chứa đạn chùm rơi cách đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan 10 m tại vùng lân cận thành phố Yevlakh.
Armenia chưa bình luận về cáo buộc do Azerbaijan đưa ra.
Bom và đạn chùm từng được Armenia và Azerbaijan sử dụng trong đợt giao tranh ở Nagorno-Karabakh hồi năm 2016. Cả hai nước đều cho biết họ không thể tham gia CCM cho tới khi tranh chấp Nagorno-Karabakh được giải quyết.
Giới chuyên gia lo ngại nguy cơ các cường quốc trong khu vực có thể bị lôi kéo vào xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), do Nga dẫn đầu và Armenia là thành viên, cảnh báo có thể can thiệp nếu chủ quyền của Armenia bị đe dọa.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói không coi giao tranh ở Nagorno-Karabakh là động cơ để CSTO tham gia cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan.
Nagorno-Karabakh là một tỉnh ở phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân địa phương là người Armenia luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát.
Tranh chấp quyền kiểm soát tại Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát từ năm 1988 và leo thang thành chiến tranh toàn diện năm 1992-1994 khiến hơn 40.000 binh sĩ và dân thường cả hai phía thiệt mạng.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây. Chiến sự đang diễn ra giữa hai bên là lần đụng độ đẫm máu nhất trong hàng chục năm qua, khi quân đội hai nước triển khai nhiều khí tài hạng nặng tới vùng giao tranh.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)