Ảnh vệ tinh sân bay quốc tế Ganja của Azerbaijan do Planet Labs chụp ngày 3/10 cho thấy ít nhất hai tiêm kích có thể là F-16, nhiều khả năng thuộc biên chế không quân Thổ Nhĩ Kỳ, ở trên bãi đậu cạnh đường băng. Một máy bay khác gần đó được cho là vận tải cơ hạng nhẹ CN-235, mẫu máy bay trong biên chế quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn Azerbaijan không sở hữu.
Hai tiêm kích F-16 được cho là của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện trên ảnh vệ tinh làm dấy lên nghi ngờ khả năng chúng tham chiến. Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Armenia ngày 29/9 cáo buộc tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-25 của nước này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Azerbaijan khi đó bác tin và tuyên bố không có tiêm kích F-16 nào hoạt động trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ hồi từng điều một số tiêm kích F-16 tới Ganja để tham gia diễn tập với quân đội Azerbaijan vào ngày 31/7. Cuộc diễn tập này diễn ra sau lần đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan quanh khu vực Nagorno-Karabakha hồi tháng 7. Giới chuyên gia quân sự nhận định cuộc diễn tập thể hiện sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan và phát tín hiệu cảnh báo Armenia.
"Chưa rõ các tiêm kích F-16 xuất hiện tại Ganja tham gia vào giao tranh tại khu vực Nagorno-Karabakh và vùng lân cận hay không", biên tập viên Joseph Trevithick của Drive viết. "Nếu không tham chiến, những chiếc F-16 này đóng vai trò gì và tại sao việc triển khai chúng (tới Azerbaijan) được giữ bí mật?".
Christiaan Triebert, chuyên gia phân tích hình ảnh của New York Times, cho biết sân bay quốc tế Ganja của Azerbaijan, cách vùng ly khai Nagorno-Karabakh chưa đầy 80 km về phía bắc, là địa điểm được các nhóm phân tích hình ảnh và chuyên gia đặc biệt quan tâm kể từ khi giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra hôm 27/9.
Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan chưa bình luận về ảnh vệ tinh chụp tiêm kích được cho là F-16 tại Ganja. Azerbaijan nhiều lần khẳng định quân đội nước này "đủ sức giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng" và không có nhân sự nước ngoài tham gia lực lượng của họ.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát hôm 27/9 được đánh giá là dữ dội nhất trong nhiều năm trở lại. Hơn 360 người chết trong trong lần đụng độ này, bao gồm khoảng 320 binh sĩ và hơn 40 dân thường của hai phía.
Xung đột quanh khu vực Nagorno-Karabakh bùng phát từ năm 1988, leo thang thành chiến tranh toàn diện năm 1992-1994 khiến hơn 40.000 binh sĩ và dân thường của cả hai phía thiệt mạng. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây.
Nagorno-Karabakh là một tỉnh ở phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân địa phương là người Armenia luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)