"Tôi đã đình chỉ các giấy phép xuất khẩu liên quan cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tuân thủ quy định kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ của Canada, cũng như để có thêm thời gian đánh giá tình hình xung đột hiện nay", Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne thông báo hôm 5/10.
Quyết định được Ngoại trưởng Canada đưa ra sau khi có những lời kêu gọi kiểm soát công nghệ vũ khí liên quan đến xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh.
Canada hiện là nhà cung cấp các hệ thống cảm biến quang học và chỉ thị mục tiêu laser cho máy bay không người lái (UAV) TB2 Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. TB2 được cho là mẫu UAV đang được sử dụng rộng rãi để tấn công, gây thiệt hại nặng cho lực lượng Armenia tại Nagorno-Karabakh. Chúng có thể được Ankara chuyển giao cho Baku hoặc được binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp vận hành.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lập tức ra thông cáo phản đối động thái mà họ gọi là "tiêu chuẩn kép" này của Canada. "Họ không gặp vấn đề nào khi xuất khẩu vũ khí cho những nước đang can thiệp quân sự vào khủng hoảng ở Yemen, một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ này", bộ này tuyên bố.
Giao tranh bùng phát hôm 27/9 giữa Armenia và Azerbaijan được đánh giá là cuộc xung đột dữ dội nhất trong nhiều năm trở lại đây tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Giới chuyên gia lo ngại nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện, khi các bên tham chiến đều tìm kiếm sự ủng hộ từ các cường quốc trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Nagorno-Karabakh là tỉnh ở phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân địa phương là người Armenia luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát.
Giới chuyên gia cho rằng UAV đang đóng vai trò lớn trong xung đột tại Nagorno-Karabakh. Chúng có kích thước nhỏ, thời gian hoạt động trên không lâu, được trang bị cảm biến hiện đại có thể phát hiện kẻ địch từ xa và cung cấp thông tin chiến trường quý giá cho sở chỉ huy.
Các mẫu máy bay không người lái và UAV tự sát do Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chế tạo, cũng như hàng loạt phi cơ nội địa của Azerbaijan đã khiến Armenia mất lượng lớn xe tăng thiết giáp, pháo binh và tên lửa phòng không trong xung đột.
Vũ Anh (Theo RT)