Buổi triển lãm vũ khí ở thủ đô Sanaa hồi tháng 7 được coi là sự kiện đáng nhớ với phiến quân Houthi tại Yemen. Họ đã tự sản xuất được hàng loạt máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Arab Saudi, bất chấp nhiều năm đối phó với những chiến dịch quân sự và đòn không kích của liên quân do Riyadh dẫn đầu.
"Tiềm lực của họ cho phép Houthi nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công nhằm vào các nhà máy dầu Arab Saudi, dù tuyên bố của nhóm chưa được xác nhận. Năng lực chế tạo vũ khí của họ là một thất bại ê chề với Arab Saudi, kẻ thù hàng đầu của nhóm phiến quân này", cây bút Lisa Barrington của Reuters nhận xét.
Vũ khí trong biên chế Houthi đã phát triển nhanh chóng cả về tầm bắn và độ chính xác trong những năm qua, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc và các nhà phân tích Trung Đông. Điều này cũng cho thấy mối đe dọa từ những lực lượng được Iran hậu thuẫn trong khu vực, dù là ở Iraq, Syria hay Lebanon.
"Họ ngày càng cải thiện độ chính xác của vũ khí. Thông điệp gửi tới chúng tôi là họ đủ sức xuyên thủng lưới phòng không và có thể đánh trúng những mục tiêu mong muốn", một quan chức an ninh Arab Saudi giấu tên thừa nhận.
"Sự phổ biến của công nghệ tên lửa hành trình và UAV tầm xa khiến phạm vi chiến trường ngày càng mở rộng. Nó cũng giúp thủ phạm dễ dàng bác bỏ liên hệ tới các vụ tấn công", James Rogers, trợ lý giáo sư ngành nghiên cứu chiến tranh tại đại học Nam Đan Mạch, nhận xét.
Năng lực quân sự của phiến quân Houthi đã cản trở đáng kể tham vọng của Arab Saudi tại Yemen. Riyadh đang dẫn đầu chiến dịch quân sự tại nước này từ năm 2015 nhằm khôi phục chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi, người bị Houthi phế truất và phải sống lưu vong từ cuối năm 2014.
Kho vũ khí của Houthi được phát triển từ ngành sản xuất nội địa với sự trợ giúp chuyên môn từ nước ngoài, cùng linh kiện được chuyển bí mật từ Iran và nhiều quốc gia khác. Nhiều khí tài của quân đội chính phủ Yemen, bao gồm cả tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud, cũng rơi vào tay lực lượng này khi họ chiếm thủ đô Sanaa.
Liên quân Arab Saudi hồi tháng 6 cho biết phiến quân Yemen đã phóng tổng cộng 226 tên lửa đạn đạo và 710.606 đầu đạn trong suốt 4 năm xung đột. Houthi giữa năm 2018 cũng ra mắt UAV có tầm hoạt động 1.200-1.500 km, cho phép nhóm này tung đòn tấn công nhằm vào Riyadh, Abu Dhabi và Dubai.
Điều này diễn ra bất chấp nhiều năm phong tỏa đường không và đường biển tới các khu vực do Houthi kiểm soát, cũng như hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào kho vũ khí, nhà máy sản xuất UAV và trung tâm liên lạc của phiến quân.
Nghiên cứu năng lực Houthi được Viện Chính sách Cận Đông ở Washington (WINEP), Mỹ công bố năm ngoái cho rằng tên lửa đạn đạo tầm trung Burkan 2-H là ví dụ rõ ràng nhất về sự hỗ trợ trực tiếp của Iran với phiến quân Yemen.
"Mảnh vỡ của 10 quả Burkan cho thấy chúng được tháo rời và bí mật chuyển vào Yemen, sau đó được một nhóm kỹ thuật viên hàn lại. Kỹ thuật hàn thủ công của họ xuất hiện trên toàn bộ các quả đạn", Michael Knights, chuyên gia thuộc WINEP, cho hay.
Iran nhiều lần bác bỏ cáo buộc chuyển vũ khí cho Houthi, đồng thời phủ nhận nghi ngờ nước này đứng sau vụ tấn công nhà máy Aramco. Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định cuộc tập kích là "hành động cảnh cáo của người Yemen" nhằm hối thúc Arab Saudi ngừng chiến dịch quân sự tại Yemen.
Ngoài UAV, phiến quân Houthi cũng đang sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình diệt hạm, xuồng tự sát không người lái, tên lửa đạn đạo và pháo phản lực tầm xa.
"Họ thu được nhiều vũ khí của quân đội Yemen sau khi chiếm được Sanaa hồi năm 2014. Tuy nhiên, không khí tài nào trong số đó đạt tầm bắn như hiện nay", Jeremy Binnie, chuyên gia Trung Đông của tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly, cho hay.
Phân tích của Liên Hợp Quốc cho thấy Houthi đang kết hợp giữa các vũ khí tự phát triển với linh kiện mua từ nước ngoài để nâng cấp khí tài có sẵn. "Họ dựa vào nguồn nhập khẩu thiết bị có giá trị cao, sau đó tích hợp với dây chuyền lắp ráp vũ khí trong nước để tăng cường uy lực cho chúng", nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc viết trong báo cáo công bố đầu năm 2018.
Một nhà ngoại giao phương Tây chỉ ra sự suy giảm rõ rệt trong các đợt tấn công của Houthi sau mỗi đòn không kích quy mô lớn từ liên quân Arab, nhưng dường như nguồn cung thiết bị và dây chuyền sản xuất vũ khí vẫn được duy trì, khiến những vụ tập kích không bao giờ ngừng hẳn.
"Bạn có thể thấy điều đó ở mọi địa điểm có chuyên gia Iran. Một trong những ưu tiên cao nhất là khởi động và duy trì dây chuyền sản xuất vũ khí địa phương. Nó bắt đầu với những quả pháo phản lực rất thô sơ và dần phát triển cao hơn", Binnie nói thêm.
Iran và phiến quân Houthi luôn có quan hệ rất khăng khít, nhiều loại vũ khí của phiến quân Yemen cũng có hình dáng và đặc điểm giống thiết kế khí tài của Tehran.
Sự phổ biến của UAV, tên lửa hành trình trong biên chế phiến quân Houthi có thể là ác mộng với Arab Saudi và nhiều quốc gia Trung Đông, khi hàng chục đầu đạn giá rẻ cùng lao tới mục tiêu từ nhiều hướng, trong đó có những khí tài chuyên gây nhiễu radar và số khác có nhiệm vụ gây quá tải hệ thống phòng không.
"Điều trớ trêu với tác chiến hiện đại là những vũ khí bay thấp, chậm và kích thước nhỏ lại là mối đe dọa vượt xa những tên lửa đạn đạo phức tạp và đắt tiền. Arab Saudi đã được trực tiếp nếm trải điều này", cây bút Tim Lister của CNN nhận xét.
Vũ Anh (Theo Reuters)