Khung cảnh này xuất hiện trong đoạn video đăng hồi tháng 7 của Al-Masirah, kênh truyền hình của phiến quân Houthi ở Yemen, nhằm lên án những kẻ thù trên chiến trường của nhóm này.
Với sự hậu thuẫn của Iran, Houthi đã thiết lập bộ máy quân sự quy mô lớn tại Yemen trong hơn 4 năm, cũng như chú trọng việc tuyên truyền khích lệ tinh thần các thành viên. Liên quân do Arab Saudi dẫn đầu, với hỗ trợ hậu cần từ Mỹ, triển khai chiến dịch can thiệp vào Yemen từ tháng 3/2015 để chống lại nhóm phiến quân này, khôi phục chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang phải sống lưu vong.
Houthi nhận trách nhiệm tấn công hai nhà máy dầu của Arab Saudi hôm 14/9 bằng tên lửa và máy bay không người lái. Washington và Riyadh bác bỏ tuyên bố này và cho rằng Tehran mới là "kẻ chủ mưu" gây ra vụ tấn công. Tuy nhiên, cuộc chiến ủy nhiệm phía bên kia biên giới phía nam của Arab Saudi, nơi được cho là điểm xung đột căng thẳng nhất giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni, dường như mới là mối đe dọa lớn hơn với Riyadh.
"Iran chưa bao giờ đề cao khả năng tác chiến của Arab Saudi", Kamran Bokhari, giám đốc sáng lập Trung tâm Chính sách Toàn cầu ở Washington, Mỹ, nhận định. "Cuộc chiến tại Yemen càng củng cố quan điểm của họ. Việc Tehran nhúng tay vào cuộc tấn công cho thấy họ nhìn nhận Riyadh yếu kém đến thế nào".
Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như cũng lo ngại về sự yếu thế của Arab Saudi trước phiến quân Houthi. Ông đã tới quốc gia Trung Đông này trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ và đặt Riyadh làm trung tâm trong chính sách đối đầu với Tehran.
Dù nhiều tuyên bố về khả năng quân sự của Houthi được cho là bị phóng đại, nhiều người vẫn đánh giá nhóm phiến quân đã đạt nhiều bước tiến kể từ đầu cuộc chiến tới nay. Các tên lửa liên tục được phóng vào những thành phố của Arab Saudi, với tầm bắn tới tận thủ đô Riyadh. Kể từ năm 2018, nhóm phiến quân còn sử dụng máy bay không người lái để tấn công.
Nhóm phiến quân này có khởi đầu khá khiêm tốn. Các thành viên nhóm theo nhánh Zaidi của Shiite, dòng Hồi giáo chiếm ít nhất 1/3 dân số Yemen. Thủ lĩnh Abdulmalik Al-Houthi của nhóm từng nghiên cứu về Kinh Koran tại Saada, thành phố có khoảng 50.000 dân ở vùng núi phía bắc Yemen, cách biên giới Arab Saudi khoảng một giờ lái xe. Al-Houthi được cho là đã xây dựng lực lượng gồm khoảng 10.000 phiến quân trước chiến tranh.
Phiến quân Houthi, những người từ lâu cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội, từng thất bại trong các cuộc nổi dậy ở phía bắc Yemen từ năm 2004 đến 2010. Tuy nhiên vào năm 2009, họ đã chiếm được một vùng lãnh thổ do Arab Saudi kiểm soát sau cuộc xung đột kéo dài ba tháng và giết khoảng 100 lính Arab Saudi.
Sau khi cố tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh từ chức hồi năm 2011 trong cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab, phiến quân Houthi biết rằng thời cơ đã đến. Họ từ chối kế hoạch biến Yemen thành một nhà nước liên bang được đề xuất sau Hội nghị Đối thoại Quốc gia hồi đầu năm 2014. Theo kế hoạch này, các thành trì phía bắc của Houthi sẽ nằm trong một quận có nguồn lực hạn chế và không thể tiếp cận các cảng.
Thay vì nhất trí với kế hoạch, nhóm phiến quân đã lập liên minh với cựu tổng thống Saleh và đưa quân đến thủ đô Sanaa. Một sáng tháng 9/2014, người dân Sanaa thức dậy và ngỡ ngàng khi nhìn thấy những tay súng phiến quân cầm AK-47 tràn ngập các tuyến phố.
Houthi lợi dụng nỗi thất vọng về tình trạng tăng giá nhiên liệu để mở rộng quyền kiểm soát tại Sanaa. Với sự trợ giúp của Saleh, họ đã tiếp quản các căn cứ quân sự và chiếm giữ nhiều kho vũ khí của quân đội chính phủ.
Tuy nhiên, mâu thuẫn nảy sinh giữa Saleh và Houthi khiến hai bên quay lưng với nhau. Saleh bị các tay súng Houthi sát hại hồi tháng 12/2017.
Tới nay, Houthi đã kiểm soát phần lớn đô thị của Yemen, trong đó có Sanaa và thành phố cảng chiến lược Hodeidah, cửa ngõ chính nhằm cung cấp hàng cứu trợ quốc tế cho Yemen.
Trước sự bành trướng quyền lực của Houthi, Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi, người kế nhiệm Saleh, phải chạy sang lưu vong ở Oman, sau đó là Arab Saudi. Tình huống này đã thúc đẩy Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thành lập liên minh tham gia cuộc chiến tại Yemen để khôi phục chính phủ của Hadi, đồng thời ngăn chặn nguy cơ hình thành một nhà nước do dòng Shiite kiểm soát trên bán đảo Arab.
Sau khi liên quân Arab Saudi can thiệp hồi năm 2015, cuộc chiến kéo dài tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn dân thường, đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói, dẫn tới sự trỗi dậy của nhóm phiến quân al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bất chấp khó khăn kinh tế, Houthi đã ngăn chặn liên quân Arab Saudi do Mỹ hậu thuẫn, đồng thời duy trì kiểm soát Sanaa, vùng lãnh thổ dọc biên giới với Arab Saudi và thành phố Hodeidah. Những khẩu hiệu và nhạc dân gian truyền thống được sử dụng để tăng nhuệ khí chiến đấu cho các tay súng phiến quân.
Bất chấp các chiến dịch không kích lẫn tấn công bằng bộ binh của liên quân Arab dưới sự hỗ trợ của Mỹ suốt gần 4 năm qua, Houthi vẫn giữ vững thành trì của mình và liên tục tung ra các đòn công kích Arab Saudi cũng như thách thức Mỹ.
"Họ được tổ chức tốt về mặt quân sự và chính trị. Phiến quân Houthi đã phát triển khả năng chiến đấu qua chiến tranh, đồng thời được Iran và lực lượng dân quân Hezbollah hỗ trợ về hậu cần và huấn luyện", Maysaa Shujaaeddin, nhà nghiên cứu độc lập về Yemen, cho biết.
Một yếu tố khác mang lại lợi thế cho Houthi là sự chia rẽ trong hàng ngũ của các đối thủ. Trong những tháng gần đây, lực lượng ly khai phía nam do UAE hậu thuẫn giao tranh với nhóm trung thành với chính phủ Hadi, những người về danh nghĩa là đồng minh của họ.
Vụ tấn công vào hai nhà máy dầu Abqaiq và Khurais ở Arab Saudi được cho là đã thúc đẩy nỗ lực chấm dứt xung đột tại Yemen của các bên. Phiến quân Houthi hôm 20/9 thông báo sẽ ngừng mọi hoạt động tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo nhằm vào Arab Saudi. Đáp lại, Riyadh hôm 27/9 quyết định ngừng bắn tại một số khu vực, trong đó có thủ đô Sanaa. Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết nếu thỏa thuận này được duy trì, Arab Saudi sẽ tìm cách mở rộng phạm vi ngừng bắn.
David Schenker, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Đông, tháng trước tiết lộ Washington đang thảo luận với Houthi nhằm tìm ra giải pháp hợp lý cho cuộc xung đột kéo dài 4 năm qua.
Wall Street Journal cho biết chính quyền Trump còn đang cố thúc đẩy Arab Saudi đàm phán với các lãnh đạo của nhóm phiến quân, trong bối cảnh mối lo ngại về leo thang xung đột với Iran ngày càng tăng. Trong cuộc phỏng vấn với CBS hôm 29/9, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman cũng bày tỏ mong muốn đạt được giải pháp hòa bình với Houthi, dù sự can thiệp của Iran có thể khiến kế hoạch này trở nên phức tạp.
Tuy nhiên, tiến trình hòa bình đòi hỏi phải giải quyết những rạn nứt về quan hệ trong khu vực và giữa các giáo phái sau khi chúng ngày càng trở nên sâu sắc trong chiến tranh. Hàng nghìn phiến quân cũng phải được giải giáp và Houthi cần chấp nhận chia sẻ quyền lực.
Trong một động thái thách thức, Mohammed Ali Al-Houthi, thành viên Hội đồng Chính trị Houthi, cho biết họ sẽ không chấp nhận bất cứ hành động thiếu toàn diện nào trước "cuộc xâm lược" của Arab Saudi để đổi lấy lệnh ngừng bắn.
Cuối tuần trước, phiến quân Houthi tuyên bố đã bắt 2.000 binh sĩ Arab Saudi trong cuộc tấn công quy mô lớn tại biên giới hai nước, đồng thời công bố video cho thấy các xe bọc thép mang biểu tượng của Arab Saudi cùng hàng trăm khẩu súng mà họ thu được. Riyadh sau đó cáo buộc Houthi đang thực hiện "chiến dịch truyền thông lừa đảo".
Những diễn biến này cho thấy Houthi vẫn là đối thủ dai dẳng của liên quân Arab Saudi. "Chúng tôi dội mưa đạn vào chúng và giết rất nhiều tên. Tuy nhiên, chúng vẫn tiếp tục tấn công", Abdullah Al-Mikhlafi, chỉ huy lực lượng chống Houthi ở thành phố Taiz, kể lại một cuộc đối đầu với các phiến quân.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)