Trong buổi họp báo online giới thiệu công nghệ mới ngày 21/5, đại diện Apple và Google khẳng định không phát triển ứng dụng truy vết cụ thể. Thay vào đó, họ xây dựng bộ công cụ lập trình ứng dụng Exposure Notifications API để chính phủ và các cơ quan, tổ chức y tế trên toàn cầu đưa vào trong ứng dụng của riêng họ.
Theo hai hãng, một trong những biện pháp phổ biến mà các tổ chức y tế đang áp dụng trong Covid-19 là tìm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp truyền thống hạn chế về nguồn nhân lực tra soát lịch sử dịch tễ của từng ca nhiễm, hạn chế về tốc độ do cần thời gian tìm kiếm và liên hệ, hạn chế về độ chính xác do người nhiễm khó có thể nhớ hết họ đã đi đâu, gặp gỡ ai, nhất là những người lạ.
Do đó, nhiều chính phủ và tổ chức y tế tìm đến công nghệ di động, xây dựng các ứng dụng truy vết và đề nghị Apple, Google hỗ trợ. Hai hãng bắt đầu tuyên bố hợp tác từ giữa tháng 4.
"Lý do các chính phủ nhờ chúng tôi giúp đỡ là vì thiếu sự hỗ trợ của chúng tôi, các ứng dụng truy vết thông qua kết nối Bluetooth có thể gặp khó khăn về mặt kỹ thuật. iPhone và điện thoại Android sẽ không dễ dàng nhận tín hiệu của nhau. Bên cạnh đó, ứng dụng truy vết cũng hoạt động thiếu ổn định và tiêu tốn pin", hai bên giải thích.
Vì vậy, công nghệ Exposure Notifications ra đời nhằm giúp các ứng dụng mà các nước đang phát triển hoạt động chính xác, ổn định hơn cũng như giúp iPhone và điện thoại Android tương tác hiệu quả với nhau. Exposure Notifications là những cảnh báo mà người dùng có thể nhận được trên điện thoại, rằng họ có thể đã tiếp xúc với ai đó vừa có kết quả dương tính với virus. Công nghệ này sẽ hỗ trợ, chứ không thay thế, biện pháp truy vết truyền thống. Hệ thống sinh ra các Bluetooth ID ngẫu nhiên đo khoảng cách giữa các thiết bị và không sử dụng GPS hay dữ liệu vị trí.
Đại diện Apple và Google nhận định, sự ra đời của quá nhiều ứng dụng và hệ thống khác nhau sẽ càng khiến việc truy vết khó khăn hơn, nên mỗi nước chỉ nên triển khai một ứng dụng có sử dụng API của họ. Ngoài ra, một trong những điều kiện quan trọng để ứng dụng phát huy hiệu quả là phải được cài đặt rộng rãi, tức phải khiến người dùng tin tưởng rằng công nghệ không theo dõi vị trí và không xâm phạm sự riêng tư.
Hai hãng cho biết đang hỗ trợ một số bang của Mỹ và 22 nước sử dụng công nghệ này, nhưng chưa cung cấp danh sách cụ thể.
Ứng dụng truy vết đang được nhiều nước triển khai với kỳ vọng giúp người dân trở lại cuộc sống "bình thường mới". Tuy nhiên, dù được ủng hộ, một thực tế là giải pháp này sẽ thất bại nếu không thu hút được số người dùng đủ lớn. Đại học Oxford sử dụng máy tính xây dựng mô hình giả lập về một thành phố với một triệu dân và nhận thấy, phải 80% người dùng smartphone ở thành phố này cài ứng dụng thì việc truy vết qua Bluetooth đạt hiệu quả. Có nghĩa, chính phủ các nước cần thuyết phục ít nhất 56% dân số cài ứng dụng mới mong kiểm soát được Covid-19.
Tại Việt Nam, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công bố ứng dụng Bluezone từ ngày 18/4 và hiện có gần 200.000 lượt cài đặt. Đại diện Cục khẳng định Bluezone không thu thập dữ liệu vị trí và chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng. Trong quá trình xây dựng, nhóm phát triển Bluezone cũng đã làm việc trực tuyến với đại diện Google và Apple, cũng như với đội phát triển SafePaths của Viện công nghệ MIT (Mỹ) để thảo luận về các vấn đề liên quan. Với bộ công cụ mà Apple và Google mới cung cấp, nhóm sẽ xem xét tích hợp tính năng nếu phù hợp.
Châu An