Cả hai loại đều sử dụng công nghệ Bluetooth để phát hiện chủ sở hữu smartphone đứng gần nhau. Nếu ai đó khai báo đã nhiễm Covid-19 hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh, cảnh báo sẽ được gửi đến điện thoại.
Với mô hình tập trung, dữ liệu ẩn danh được thu thập và tải lên máy chủ từ xa, sau đó so sánh với thông tin vị trí mà người đó từng đến để cảnh báo cho người khác. Đây là phương pháp mà Anh đang theo đuổi.
Mô hình phi tập trung cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát thông tin hơn, bằng cách lưu trữ chúng trên điện thoại. Đây là giải pháp mà Apple và Google đang cùng xây dựng.
Cả hai đều có ưu nhược, cũng như lượng người ủng hộ riêng.
Theo những người ủng hộ mô hình tập trung, giải pháp này có thể cung cấp cho chính quyền cái nhìn sâu sắc hơn về sự lây lan của nCoV và mức độ hiệu quả khi triển khai ứng dụng. Nhóm còn lại cho rằng phương pháp phi tập trung sẽ đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng cao hơn, bảo vệ họ khỏi hacker hoặc thậm chí là khả năng bị chính phủ theo dõi.
Thực tế, cả hai vẫn chưa chứng minh được tính ưu việt trong giai đoạn này. Hàn Quốc, một trong những quốc gia thành công nhất trong việc kiềm chế sự bùng phát của Covid-19, đã hạn chế lây lan đại dịch mà không cần hai loại ứng dụng trên. Tuy nhiên, họ sử dụng phương pháp giám sát khác xâm phạm quyền riêng tư hơn, thông qua định vị vị trí.
Khi đại dịch bắt đầu bùng phát, mô hình tiếp cận tập trung đã được sử dụng đầu tiên. Giải pháp của TraceTogether tại Singapore đã phát huy tác dụng giai đoạn đầu, nhưng sau đó khó kiểm soát hơn do lượng người dân cài đặt chỉ khoảng 20%.
Một số chuyên gia cho rằng, TraceTogether gặp phải vấn đề hoạt động. Phần mềm này thường không chính xác khi ở chế độ nền trên iPhone do cách Apple hạn chế sử dụng Bluetooth. "Chúng tôi đang làm việc với Apple và Google để ứng dụng hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với người dùng iOS", một phát ngôn viên TraceTogether nói với BBC.
Australia, một trong những nơi áp dụng phương pháp tập trung khác, đã ra ứng dụng CovidSafe dựa trên nền tảng của TraceTogether, hay Colombia cũng có coronApp tương tự. Tuy nhiên, những phần mềm này cũng gặp phải vấn đề về hoạt động và bị cân nhắc ngừng sử dụng. "Chúng tôi có thể phải tắt tính năng theo dõi liên lạc trong ứng dụng coronApp nhằm giảm rủi ro khi nó tạo ra các cảnh báo không cần thiết", Victor Munoz, cố vấn tổng thống Colombia, nói.
Một số quốc gia khác dự kiến ra ứng dụng dựa trên phương pháp tập trung, chẳng hạn, Bộ trưởng kỹ thuật số của Pháp Cédric O cho biết nước này dự định ra mắt StopCovid vào tháng 6 tới, nhưng đang cố gắng "ép" Apple phải tham gia nhằm tăng khả năng hiệu quả khi ứng dụng vận hành. Tuy vậy, Cédric O đang bị cơ quan nhân quyền Pháp phản ứng, cho rằng nó "nguy hiểm" và ngăn chặn triển khai.
Na Uy cũng đang áp dụng mô hình tập trung với Smittestopp, phát hành thử nghiệm vào tháng trước tại ba thành phố. Ngoài Bluetooth, phần mềm còn thu thập cả dữ liệu vị trí.
Một số nhà phát triển cho rằng, các ứng dụng kết hợp Bluetooth và GPS như Smittestopp sẽ cho kết quả chính xác mà không cần tới sự can thiệp của Google hay Apple. Tuy nhiên, nó có thể gây lo lắng về quyền riêng tư. Thực tế, theo số liệu của Viện Y tế Công cộng Na Uy, có 1,5 triệu lượt tải xuống ứng dụng này nhưng chỉ 20,5% trong đó sử dụng thường xuyên.
Một số nước khác chọn cách phát triển phi tập trung, nhưng đang đợi Google và Apple ra Giao diện lập trình ứng dụng (API). Đức xác nhận sẽ triển khai ứng dụng dạng này, trong khi Ba Lan, Thụy sĩ, Áo, Latvia, Estonia, Phần Lan, Canada cũng có kế hoạch tương tự.
"Lý do cốt lõi ở đây là các hệ thống tập trung buộc người dùng phải tải lên dữ liệu cho máy chủ từ xa, trong khi giải pháp phi tập trung không cần làm điều đó", Tiến sĩ Michael Veale thuộc DP3T, nhóm đang phát triển hệ thống tương tự Google và Apple giải thích. "Nếu dùng ứng dụng để theo dõi dịch bệnh, điều qua trọng là chức năng của nó vẫn hoạt động tốt khi bạn đang ở quốc gia khác. Covid-19 không phân biệt biên giới".
Bảo Lâm (theo BBC)