Khi công bố ứng dụng TraceTogether trong tháng 3, Singapore ghi nhận 385 người nhiễm Covid-19. Còn hiện nay, đã có hơn 9.000 người được xét nghiệm dương tính với virus tại đất nước 5,7 triệu dân.
TraceTogether, khai thác công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp, sẽ trao đổi tín hiệu với smartphone cùng cài ứng dụng trong khoảng cách hai mét và lưu lại nhật ký tiếp xúc. Khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 mới, lịch sử tiếp xúc của người bệnh sẽ được gửi tới các smartphone để đối chiếu. Nếu trùng khớp, người dùng sẽ nhận được cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm.
Giải pháp này đang được đánh giá cao và được nhiều nước đi theo, như châu Âu, Mỹ, Australia, Việt Nam...
Tuy nhiên, công nghệ trên chỉ phát huy hiệu quả nếu đạt được số người dùng đủ lớn. Đại học Oxford ước tính, lượng cài đặt phải ở mức 60% dân số trưởng thành mới đạt hiệu quả kiểm dịch tối ưu.
Trong khi đó, sau một tháng triển khai, hiện mới có hơn một triệu người tải ứng dụng TraceTogether, tức chưa đạt đến 20% dân số Singapore. Singapore là quốc gia được đánh giá có mặt bằng công nghệ cao và người dân tin tưởng chính phủ. Do đó, tỷ lệ sử dụng ở mức khiêm tốn này cho thấy thách thức mà các chuyên gia y tế và công nghệ trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt.
Một ứng dụng tương tự TraceTogether tại Ấn Độ hiện thu hút 50 triệu lượt tải trên điện thoại Android, nhưng cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với dân số hơn 1,3 tỷ.
Một số quốc gia khác, như Hàn Quốc và Israel, truy tìm người tiếp xúc gần bằng cách theo dõi vị trí người dùng qua mạng di động. Tuy nhiên, biện pháp này không thể áp dụng tại nhiều nước vì xâm phạm sự riêng tư, chưa kể sai số lớn.
Theo Frederic Giron, chuyên gia phân tích của Forrester, giá trị của các ứng dụng như TraceTogether chưa rõ ràng và cần sự ủng hộ của người dùng. Ngày 21/4, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết người dân nên hợp tác trong việc cài và sử dụng ứng dụng, dù không bắt buộc.
Nỗ lực của Singapore và Ấn Độ hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, người dân cũng cảm thấy chưa cần thiết cài ứng dụng khi thành phố bị cách ly, phong toả. Tuy nhiên, nó sẽ chứng minh tính hiệu quả khi mọi người bắt đầu đi học, đi làm trở lại, tức có sự tiếp xúc thường xuyên. Tại Australia, chính phủ chưa triển khai nhưng nói rằng người dân có thể sẽ bị yêu cầu phải cài ứng dụng.
Sự tuyên bố hợp tác hiếm hoi giữa hai hãng công nghệ lớn là Apple và Google cũng đang giúp ý tưởng truy vết người nhiễm Covid-19 qua Bluetooth được đón nhận hơn. Tuy nhiên, hai hãng cho biết sẽ không ủng hộ những ứng dụng mang tính ép buộc, mà cần hoạt động "hoàn toàn ẩn danh, tự nguyện và được thiết kế để đảm bảo sự riêng tự của người dùng".
Châu An (theo Reuters)