Ngày 26/4, Australia công bố ứng dụng Covidsafe, sử dụng công nghệ Bluetooth để ghi nhận sự tiếp xúc gần nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Chỉ sau 5 tiếng triển khai, ứng dụng đạt một triệu lượt tải và đến 28/4, con số này tăng lên 2,44 triệu. Bộ trưởng y tế Australia Greg Hunt cho biết ứng dụng được người dân ủng hộ và số lượt tải vượt kỳ vọng ban đầu của đội ngũ phát triển.
Trong khi đó, Singapore là một trong những nước đầu tiên triển khai ứng dụng truy vết từ giữa tháng 3. Tuy nhiên, hiện chỉ hơn một triệu người tải ứng dụng TraceTogether. Một ứng dụng tương tự TraceTogether tại Ấn Độ hiện thu hút 50 triệu lượt tải trên điện thoại Android, nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ so với dân số hơn 1,3 tỷ.
Các ứng dụng truy vết, khai thác công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp, sẽ trao đổi tín hiệu với smartphone cùng cài ứng dụng trong khoảng cách gần và lưu lại nhật ký tiếp xúc. Khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 mới, lịch sử tiếp xúc của người bệnh được gửi tới các smartphone để đối chiếu. Nếu trùng khớp, người dùng sẽ nhận được cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm.
Giải pháp này đang được chính phủ nhiều nước quan tâm và phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ấn Độ, Việt Nam... Tuy nhiên, số lượng người cài sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của ứng dụng trong việc kiểm soát các ổ dịch mới.
Tại Việt Nam, ứng dụng Bluezone, do Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phát triển, thu hút gần 150.000 lượt tải sau một tuần đưa lên kho ứng dụng. Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, đánh giá Bluezone và những ứng dụng truy vết tương tự đóng vai trò như "khẩu trang điện tử" ngăn ngừa sự lây lan của virus.
"Mỗi khi có ca nhiễm mới, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người phải cách ly. Chúng ta cũng lo lắng liệu mình có từng tiếp xúc người nhiễm bệnh hay không, khiến cuộc sống không thể diễn ra bình thường", ông Quảng chia sẻ. "Ứng dụng Bluezone cảnh báo nếu bạn tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường, có thể sống chung với dịch cho tới khi thế giới tìm ra vaccine".
Theo MIT Technology Review, để thuyết phục người dân cài ứng dụng, nhà phát triển cần khiến họ yên tâm về sự riêng tư. Không ít người lo ngại ứng dụng truy vết trở thành công cụ giám sát của chính phủ. Các quan chức y tế của Australia đã phải lên tiếng bác bỏ tin giả lan truyền trên mạng xã hội rằng Covidsafe "có thể nhận ra bạn ở khoảng cách 20 km tính từ địa chỉ nhà". Ông Greg Hunt khẳng định ứng dụng không theo dõi vị trí, mà chỉ đo khoảng cách giữa điện thoại của người dùng với những điện thoại khác có cài ứng dụng.
Google và Apple, hai hãng đang sở hữu Android và iOS - hệ điều hành được cài trên hơn 90% smartphone toàn cầu, khẳng định sự riêng tư là ưu tiên hàng đầu khi thiết kế ứng dụng truy vết. Ứng dụng cũng sẽ dừng hoạt động khi đại dịch kết thúc.
Trước những hậu quả khó lường của đại dịch, người dân cũng bắt đầu chấp nhận các công cụ giám sát. Khảo sát của Pew Research đầu tháng 4 cho thấy hơn một nửa số người tham gia tại Mỹ "phần nào chấp nhận" cho chính phủ sử dụng dữ liệu smartphone để xác định người dương tính với Covid-19 đã đi đâu, tiếp xúc với ai. 45% đồng ý cho chính phủ thực hiện biện pháp này với những người có thể đã tiếp xúc gần với ai đó nhiễm virus.