Câu chuyện Nữ sinh nợ tín dụng đen 300 triệu đồng nhận được quan tâm bình luận của nhiều độc giả.
Một nữ sinh viên đại học ở TP HCM cho biết đã làm mất 10 triệu đồng đóng học phí hồi tháng 11/2020 nên đã vay tiền từ các ứng dụng trực tuyến. Sau gần một năm, số tiền cả gốc lẫn lãi cộng dồn lên tới 300 triệu đồng. Không có khả năng chi trả vì số tiền quá lớn, nữ sinh này bị nhắn tin, gọi điện đe dọa.
Độc giả Quân Nguyễn chia sẻ do thất nghiệp nên vay trực tuyến từ các ứng dựng tương tự:" Tôi đã từng vay qua app trong thời kỳ thất nghiệp. Tôi vay hai triệu đồng, chỉ nhận được 1,7 triệu đồng.
Sau khi trả chậm hai ngày, tiền nợ lên 2 triệu đồng tôi lại phải vay bên app khác để trả. Tôi lại trả chậm một tuần, tiền nợ lên 8 triệu đồng. Cuối cùng nhờ bạn bè giúp tôi mới trả hết 8 triệu đồng để khỏi phiền phức và tránh phát sinh thêm lãi. Bây giờ nghĩ lại mình thật dại dột... Đừng bao giờ vay app tín dụng, vì đó là tín dụng đen".
Độc giả Huong HC chia sẻ: "Không riêng trường hợp của nữ sinh mà rất nhiều cháu sinh viên dại dột đã tải và vay qua các app cho vay hoặc tín dụng đen. Tôi cũng vừa khốn khổ vì đi trả nợ thay cho một sinh viên như trường hợp trên. May mà phát hiện sớm nên khoản vay từ 10 triệu một app rồi biến sang vay 3, 4 app và hai tín dụng đen. Tổng nợ sau gần một năm lên tới trên 60 triệu đồng.
Dễ nhận thấy điểm chung của những người dính vào các khoản vay ứng dụng này là do: thất nghiệp, đột ngột rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không vay được tiền ngay để xoay xở, khó khăn vì Covid-19...
Các app đã đánh trúng tâm lý những người này với điều kiện chỉ cần ảnh CMND, cho phép ứng dụng truy cập danh bạ là đã có thể vay được tiền ngay. Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu cho công cuộc vay chỗ này, đắp chỗ kia.
Độc giả nhanqui6969 chỉ ra cái vòng luẩn quẩn khi lỡ dính vào app vay tiền:
"Thủ đoạn của những ứng dụng này là vay 10 triệu nhưng chỉ nhận được tầm 8 triệu đồng hoặc ít hơn với lý do là giấy tờ, bảo hiểm... Đến hạn trả nếu không đủ tiền lời và lãi thì bị dụ vay app thứ hai với thủ đoạn cũ. Để trả được 10 triệu đồng phải vay 12 triệu đồng hoặc hơn nhưng lãi suất thì vẫn tính như cũ.
Sau một thời gian, lãi mẹ đẻ lãi con trả không nổi thì tiếp tục vay tiếp app thứ ba, app thứ tư. Nếu mà tỉnh táo nhận ra ngay từ đầu thì vay tiền bà con dòng họ để trả thì coi như cắt đuôi nhưng nếu không nhận ra mà vẫn theo thì "chết".
Độc giả có nickname B52 chia sẻ đã từng vay app và phải mượn tiền bạn bè để "cắt đuôi" những khoản nợ mẹ, nợ con: "Tôi là một người trưởng thành mà vẫn là nạn nhân. Do khó khăn vì dịch Covid-19, tôi xem quảng cáo và có vay qua một ngân hàng dạng trực tuyến như thế này. Sau khi ký hợp đồng trực tuyến cho khoản vay 30 triệu thì tôi mới biết có một khoản là bảo hiểm mất 5 triệu. Có nghĩ là ngoài việc trả lãi thì tôi phải gánh nợ ngay 5 triệu này. Bây giờ ngậm bồ hòn để túc tắc trả hết và không bao giờ vướng vào loại vay này nữa. Cần cảnh báo rộng rãi cho người dân về mối nguy hiểm này".
Đại diện Bộ Công an cho biết, app vay tiền online thực chất là ứng dụng cho vay tín chấp. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua trang web hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Việc giao dịch qua app rất dễ dàng, người vay chỉ cần điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp, chứng minh nhân dân và đồng ý cho app truy cập danh bạ điện thoại.
Một số người trước khi quyết định vay tiền qua app không tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí và hạn mức trả nợ nên gặp nhiều rắc rối. Trường hợp bị lừa đảo hoặc đe dọa, công dân có thể làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an kèm các tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Từ 15/4/2019 đến 15/4/2020, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ liên quan đến tín dụng đen, trong số này hơn 600 vụ đã khởi tố với trên 1.400 bị can, phạt hành chính 382 vụ với 911 người.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.