Cốc Ái Lăng, tên tiếng Anh là Eileen Gu, có mẹ người Trung Quốc và bố người Mỹ. Quê hương của bố là nơi vận động viên 18 tuổi này sinh ra, cũng là nơi cô phát hiện niềm yêu thích với môn trượt tuyết. Năm 2019, chỉ vài tháng sau khi lần đầu tiên bước lên bục nhận huy chương tại Giải vô địch Thế giới, Cốc Ái Lăng gây tranh cãi vì tuyên bố chuyển sang thi đấu cho đội tuyển Trung Quốc thay vì Mỹ.
"Đây là quyết định vô cùng khó khăn đối với tôi. Tôi tự hào về gốc gác của mình, cũng như tự hào vì được giáo dục ở Mỹ", cô viết trong bài đăng trên Instagram vào thời điểm đó.
Kể từ đó, Cốc Ái Lăng trở thành cái tên quen thuộc tại Trung Quốc. Khi ra phố, người dân sẽ bắt gặp chân dung nữ vận động viên trên khắp các biển quảng cáo và bìa tạp chí. Những video quảng bá trước thềm Olympic Mùa đông ở Bắc Kinh chiếu hình ảnh Cốc Ái Lăng biểu diễn kỹ năng và chạy trên Vạn Lý Trường Thành.
Cô có gần ba triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, đồng thời được nhiều nhà tài trợ, thương hiệu và nhóm làm phim tài liệu săn đón. "Công chúa tuyết Cốc Ái Lăng sẽ tỏa sáng tại kỳ Olympic ở quê hương" là tiêu đề một bài viết của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua.

Một biển quảng cáo có hình vận động viên trượt tuyết Cốc Ái Lăng tại điểm dừng xe buýt ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 11/1. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, đằng sau thành công của Cốc Ái Lăng là áp lực nặng nề vì mang hai dòng máu Mỹ - Trung, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.
Cốc Ái Lăng không phải vận động viên duy nhất rơi vào tình huống này. Olympic Mùa đông Bắc Kinh ghi nhận số vận động viên được sinh ra ở nước ngoài thi đấu cho Trung Quốc đông chưa từng thấy, trong đó nhiều người đến từ Bắc Mỹ. Đội khúc côn cầu nam của Trung Quốc chỉ có 6/25 thành viên là công dân sinh ra và lớn lên ở nước này.
Susan Brownell, chuyên gia về thể thao Trung Quốc tại Đại học Missouri-St. Louis của Mỹ, cho biết đổi quốc tịch để thi đấu thể thao là điều khá phổ biến trên toàn thế giới, nhưng xuất hiện muộn ở Trung Quốc. Sự thay đổi này được đánh giá rất bất thường, bởi Trung Quốc có những quy định nhập cư nghiêm ngặt hàng đầu thế giới. "Trung Quốc trước đây chưa từng làm vậy", Brownell nói thêm.
Nhiều gương mặt trong đoàn thể thao Trung Quốc không có gốc gác hoặc mối liên hệ rõ ràng với nước này, như vận động viên khúc côn cầu Jake Chelios và Jeremy Smith. Tuy nhiên, các vận động viên mang một nửa dòng máu Trung Quốc mới là những người được chú ý nhiều nhất, như vận động viên khúc côn cầu gốc Canada Brandon Yip và vận động viên trượt băng nghệ thuật sinh ra tại Mỹ Beverly Zhu, tên Trung Quốc là Chu Nghị.
Phản ứng của dư luận Trung Quốc sau màn thể hiện gây thất vọng của Chu Nghị ở Olympic Bắc Kinh dường như là minh chứng cho áp lực mà những vận động viên như cô phải đối mặt. Cô ngã trong lúc trình diễn phần thi và nhận về điểm số thấp nhất trong hai ngày 5 và 6/2.
Nhiều người buông lời coi thường và đả kích nữ vận động viên 19 tuổi, thắc mắc tại sao cô lại được chọn vào đội tuyển thay vì một vận động viên sinh ra ở Trung Quốc. Một số khác chỉ trích Chu Nghị vì không thạo tiếng phổ thông Trung Quốc. "Đây là nỗi hổ thẹn", một người dùng Weibo nêu ý kiến và nhận được 11.000 lượt ủng hộ.
Đối lập với Chu Nghị, Cốc Ái Lăng được lòng công chúng nhờ nói tiếng phổ thông Trung Quốc lưu loát và hiểu biết về văn hóa. Ngày 8/2, cô được ca ngợi nồng nhiệt khi giành huy chương vàng môn trượt tuyết nhào lộn trên không tại Olympic Bắc Kinh. Cốc sẽ tiếp tục thi đấu ở hai hạng mục khác.
Tuy nhiên, danh tiếng tại Trung Quốc của Cốc Ái Lăng lại khiến cô gặp những rắc rối khác. Hãng Fox News gọi ngôi sao trượt tuyết 18 tuổi là "đứa trẻ vô ơn của Mỹ", tương tự những bình luận thường xuyên xuất hiện dưới các bài đăng trên mạng xã hội của cô. "Rất vui khi thấy cô mang tất cả thành công và thành tích tại Mỹ sang Trung Quốc, không thi đấu cho nơi cô sinh ra và lớn lên", một người dùng Instagram bình luận mỉa mai trong bài đăng tuần trước của Cốc Ái Lăng.
Một số người còn đánh giá Cốc Ái Lăng ưu tiên lợi nhuận và danh tiếng thay vì bảo vệ nhân quyền, vấn đề mà phương Tây thường xuyên cáo buộc Trung Quốc vi phạm dù Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận. Mỹ dẫn đầu cuộc tẩy chay ngoại giao với Olympic Bắc Kinh, tức là không cử quan chức đến dự, dựa trên cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ, giải thích rằng những hoạt động của họ tại khu vực này đều nhằm chống chủ nghĩa khủng bố cực đoan.
Cốc Ái Lăng đã cố gắng theo đuổi con đường trung dung. Những bài đăng trên mạng xã hội của cô viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung, ảnh cũng chụp ở cả Thượng Hải và California, nơi cô sinh ra. Cô còn vừa quay video TikTok cho khán giả Mỹ, vừa xuất hiện trong phim tài liệu tiếng Trung.
"Khi ở Trung Quốc, tôi là người Trung Quốc. Khi ở Mỹ, tôi là người Mỹ", Cốc Ái Lăng trả lời phỏng vấn tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ khi dự Olympic Mùa đông dành cho thanh thiếu niên năm 2020.
Một bài đăng trên Instagram của Cốc Ái Lăng tuần trước cũng thể hiện nỗ lực cân bằng giữa hai bên. "Là người được làm quen với môn trượt tuyết ở Mỹ, tôi muốn khuyến khích những người chơi môn này ở Trung Quốc theo cách mà những hình mẫu ở Mỹ đã truyền cảm hứng cho tôi", cô viết.

Cốc Ái Lăng sau khi về nhất một giải đấu ở Mammoth, bang California, Mỹ, hôm 8/1. Ảnh: AFP.
Mặc dù Cốc Ái Lăng muốn thể hiện cả hai phần gốc gác của mình và tránh xa chính trị, dường như thế giới không để cô làm vậy. Cô và nhiều vận động viên sinh ra ở nước ngoài phải đối mặt với câu hỏi về quốc tịch. Trung Quốc không cho phép mang hai quốc tịch. Có rất ít trường hợp ngoại lệ với quy định này và khả năng cao là trong đó không có họ, theo Donald Clarke, giáo sư chuyên về luật Trung Quốc tại Đại học George Washington của Mỹ, bình luận.
"Cách duy nhất để các vận động viên khúc côn cầu có thể trở thành công dân Trung Quốc là nhập tịch, và theo luật quốc tịch Trung Quốc, họ cần từ bỏ quốc tịch nước ngoài", Clarke lập luận.
Tuy nhiên, không rõ Cốc Ái Lăng đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để thi đấu cho Trung Quốc hay chưa. Cô chưa từng lên tiếng về vấn đề này. Những đồn đoán gia tăng sau khi cô đăng ký Chương trình Học bổng Tổng thống Mỹ năm 2021, vốn chỉ dành cho công dân hoặc thường trú nhân ở Mỹ. Trang web chính thức của Olympic dường như giúp xác nhận thông tin về Cốc Ái Lăng trong một bài viết tháng trước, khi gọi cô là người mang "quốc tịch kép".
Clarke và Brownell đồng tình rằng có khả năng Trung Quốc đã điều chỉnh quy định, cho phép các vận động viên sinh ra ở nước ngoài mang hai quốc tịch với hy vọng nâng cao thành tích tại Olympic, điều mà Bắc Kinh lâu nay coi là dấu hiệu chứng minh sức mạnh quốc gia.
Giới chức Trung Quốc đã cẩn thận né tránh câu hỏi về quốc tịch của Cao Ái Lăng. Thay vào đó, họ nhấn mạnh nguồn cội Trung Quốc của ngôi sao trượt tuyết, gọi cô là Hoa kiều, cụm từ chỉ những người gốc Trung Quốc bất kể quốc tịch hoặc có bao nhiêu thế hệ gia đình sống ở nước ngoài.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhiều lần khẳng định Hoa kiều cũng là một phần của đất nước và cam kết "đoàn kết Hoa kiều" với họ hàng ở Trung Quốc, như một phần của "giấc mộng Trung Hoa". Cốc Ái Lăng dường như cũng là một phần trong khát vọng đó.
"Tôi có nguồn cội vô cùng gắn bó tại Trung Quốc", Cốc Ái Lăng trả lời đài truyền hình nhà nước CCTV, nói thêm rằng cô đã ở Trung Quốc khi Bắc Kinh được thông báo là nơi đăng cai Olympic Mùa đông 2022. "Đó là lúc tôi bắt đầu nghĩ rằng sẽ thi đấu cho Trung Quốc".
"Cốc Ái Lăng nên trở thành thần tượng của toàn thế giới. Trước đây, mọi người muốn trở thành người Mỹ, vậy tại sao không chấp nhận rằng mọi người bây giờ muốn làm người Trung Quốc", một người hâm mộ trả lời phỏng vấn tờ Global Times.
Ánh Ngọc (Theo CNN)