Giữ tiếng Việt cho con là một trong những bài toán khiến gia đình người Việt định cư ở nước ngoài đau đầu tìm lời giải. Truyền dạy tiếng nói của quê hương cho con cái để lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc là điều rất nên làm, nhưng khi trẻ không có nhu cầu sử dụng tiếng Việt ở nước bản xứ, không có cơ hội giao tiếp thường xuyên bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, việc ép con học tiếng Việt có thật sự cần thiết?
Đứng trước nỗi trăn trở có nên yêu cầu con học tiếng Việt bằng mọi giá, độc giả Nhu Quynh Nguyen cho rằng: "Thực sự, giữ gìn tiếng Việt cho các con là một nhiệm vụ thực sự rất khó. Như nhà tôi, bé sẽ nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha với bố. Khi cả gia đình giao tiếp với nhau thì tiếng Anh mới là ngôn ngữ chính.
Không bàn tới chuyện mất gốc nhưng ít nhất, nhà tôi còn hai bà cố và ông bà ngoại, dù thích hay không thì con vẫn phải biết một chút tiếng Việt (tất nhiên tôi không đòi hỏi con phải quá xuất sắc, miễn nói chuyện dễ nghe và có thể biết đọc, viết cơ bản là được). Chứ giờ ông bà không ai biết tiếng bên này, tôi cũng không thể theo sát con 24/7 để dịch cho chúng từng câu được, còn tiếng Anh thì hai cố chắc chắn là không nói được rồi, ông bà ngoại cũng không quá xuất sắc.
Thế nên, thỉnh thoảng tôi vẫn phải nhắc con nói tiếng Việt vì sợ con quen nói tiếng Tây Ban Nha hoặc trộn từ. Nhưng để hỏi tôi có ép con không thì xin thưa là không. Con đã không thích thì có ép thế nào cũng bằng thừa, bởi vì nguyên ngày từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều con đi học, tiếp xúc với thầy cô, bạn bè bằng tiếng bản địa. Tôi chỉ có 2-3 tiếng buổi tối để tương tác với con bằng tiếng Việt.
May mắn là hiện tại con tôi vẫn thích và chịu nghe tiếng Việt (bao gồm âm nhạc và vlog) với động lực lớn nhất là để giao tiếp với ông ngoại. Ngày nào tôi cũng gọi cho ông để con tâm sự, nên lúc nào cũng nói con ráng học tiếng Việt cho tốt nếu muốn nói chuyện với ông nhiều hơn".
Cũng không lựa chọn phương án ép con học tiếng Việt, bạn đọc Oanh le chia sẻ: "Phần lớn gia đình Việt ở nước ngoài ai cũng muốn con mình biết hai, ba ngôn ngữ để thấm nhuần nhiều nền văn hóa. Tuy nhiên, học tiếng mẹ đẻ ở xứ người rất khó, rất hạn chế, may là chữ Việt dùng chung mẫu tự nên dễ viết, và dễ đánh vần hơn khi đã nói được tiếng Việt. Nhưng con cái mỗi ngày ở trường học, hoặc đi làm luôn giao tiếp bằng tiếng bản xứ. Khi về nhà chỉ có dịp trao đổi những tiếng mẹ đẻ rất thông thường, chẳng hạn như các món ăn, các đồ dùng trong nhà, những công việc hàng ngày với nhau thôi.
Cho nên, có điều gì quan trọng để trao đổi, hoặc dạy con, tôi vẫn nói tiếng Việt, nhưng đôi khi phải kèm theo tiếng Anh cho rõ nghĩa hơn thì con mới hiểu hết ý nghĩa. Với tôi, chuyện dạy tiếng Việt cho con nhiều lúc lực bất tòng tâm. Khi mới đến Mỹ, hai vợ chồng tôi đã tham gia tổ chức các lớp Việt Ngữ cho con em đồng hương. Nhưng rồi bận rộn cuộc sống mưu sinh, con tôi lớn lên có biết tự học tiếng Việt hay không cũng là chuyện khó nói".
>> Dạy con 'Tây' tiếng Việt không khó
Không lấy chuyện học tiếng Việt để làm khổ con cái, độc giả Tamduc nhấn mạnh: "Tôi không làm khổ con mình vì chuyện học tiếng. Khi sinh ra ở nước ngoài, con cần phải học tiếng bản địa cho tốt để theo học được. Rồi khi đi học, các bậc học của người ta đòi hỏi con học thêm ngoại ngữ theo yêu cầu. Nên khi trẻ mà theo học hết bậc THPT, sẽ phải học thêm hai ngoại ngữ ngoài tiếng bản địa. Nên tôi chẳng làm khổ con mình phải học thêm một ngôn ngữ mà không biết sau này chúng có dùng tới không.
Tôi quan niệm các con sinh ra ở đâu thì tiếng bản địa nơi đó là tiếng mẹ đẻ của chúng. Khi con nhỏ đi học đã vất vả thì ta không nên gây cho con trẻ thêm khổ và áp lực. Có lần, con đi học về, nói bị giáo viên dạy ngoại ngữ phê bình không tập trung học vì khi trả lời bị lẫn lộn tiếng Anh - tiếng Đức. Vậy nên, tôi không bao giờ bắt con mình học quá nhiều ngoại ngữ nữa".
Đồng quan điểm về việc dạy con, bạn đọc Milanbliss bình luận: "Tiếng Việt đối với những trẻ em sinh ra ở nước ngoài cũng như một ngoại ngữ, trong khi tiếng bản xứ đối với các em mới là ngôn ngữ chính. Con gái tôi cho tới trước 5 tuổi chủ yếu nói tiếng Việt với ba mẹ, cháu tự học tiếng Anh qua giao tiếp xã hội với người ngoài, và học qua YouTube. Nhưng khi đi học (năm nay con học lớp 1) thì cứ bật ra là nói tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp, vì con mình học song ngữ Anh-Pháp).
Lần nào tôi cũng nhắc nhở con phải nói tiếng Việt nhưng thực sự rất khó có thể ép. Tôi cũng nhờ một cô giáo dạy tiếng Việt online cho con, nhưng nhìn chung giao tiếp tiếng Việt của con chỉ ở mức trung bình thôi. Buổi tối trước khi đi ngủ, con rất thích nghe ba đọc truyện bằng tiếng Việt. Tôi cũng cho con tập đánh vần để tự đọc truyện, nhưng tôi không ép các con phải giỏi tiếng Việt như các bé ở trong nước.
Với tôi, hiện nay, cho con học tiếng Việt chỉ để chúng hiểu hơn về quê hương - nơi ba mẹ chúng sinh ra, cũng như để nói chuyện với ông bà nội, ngoại. Tôi mong là con sẽ yêu thích tuếng Việt chứ không ép buộc, bởi khi chúng lớn lên, tiếng Anh, tiếng Pháp mới là ngôn ngữ sử dụng hàng ngày, chứ có dùng tiếng Việt đâu, có chăng chỉ dùng ở nhà. Ngôn ngữ nếu không sử dụng thì sẽ sớm mai một".
"Tôi đồng ý với ý kiến dạy và giữ tiếng Việt cho thế hệ tiếp theo là lựa chọn của mỗi gia đình. Đây không phải là nhiệm vụ chính của các bậc phụ huynh định cư ở nước ngoài. Cuộc sống và điều kiện của mỗi kiều bào là khác nhau, theo đó sẽ có các mục tiêu và ưu tiên khác nhau. Chúng ta chỉ có thể cố gắng đem lại những điều tốt nhất cho bản thân và gia đình trong khả năng của mình. Lớp trẻ sinh ra ở nước ngoài có thể học được tiếng Việt là điều tốt, hiểu và giữ gìn bản sắc dân tộc Việt thì càng hay, nhưng nếu không được thế thì chúng ta cũng nên vui vẻ. Suy cho cùng, đó là lựa chọn của mỗi bậc cha mẹ cho con cái của chính họ, dựa trên hoàn cảnh, điều kiện cuộc sống mà họ đang trải qua, cũng như mong muốn và khả năng của đứa trẻ", độc giả Luuhonganh kết lại.
>> Lớp trẻ Việt kiều nơi bạn sống đang nói tiếng Việt như thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.