Xung quanh Đề xuất áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines, nhiều độc giả VnExpress không đồng tình:
Bản chất vấn đề là hiện nay, giá vé của Vietnam Airlines đang cao hơn các hãng khác. Đề xuất mức giá sàn có vẻ công bằng cho các hãng bay, nhưng thực chất là buộc các hãng khác phải điều chỉnh giá lên cao ngang bằng với Vietnam Airlines. Khi ấy, cùng mức giá, hành khách chắc chắn sẽ chọn bay Vietnam Airlines nhiều hơn. Các hãng giá rẻ hiện nay chủ yếu lấy số lượng khách để bù vào giá vé. Cá nhân tôi thấy, áp mức giá sàn là không công bằng với các hãng bay và chính hành khách có nhu cầu bay giá rẻ.
Nếu làm như thế, các doanh nghiệp bay nhỏ sẽ chết. Khi giá vé sàn như vậy thì đa số mọi người sẽ chọn các hãng lớn, lâu năm, chứ không ai chọn hãng bay mới. Hãng bay mới lại không thể được giảm giá để quảng bá và cho khách hàng "bay thử" với giá vé thấp để tạo niềm tin và trải nghiệm. Nói chung, cách làm này sẽ chỉ lợi cho các hãng lớn, lâu năm. Các hãng bay nhỏ, mới thành lập sẽ khó tồn tại. Về lâu dài sẽ gây thiệt hại cho thị trường cạnh tranh tự do và người tiêu dùng.
Đề xuất này vô lý. Thứ nhất, nó đi ngược với quy luật kinh tế thị trường. Thứ hai, các hãng đều là doanh nghiệp kinh doanh, không thể nói tháo gỡ khó khăn cho riêng ai. Nếu kinh doanh lỗ liên tục thì các hãng sẽ tự phải điều chỉnh giá. Thứ ba, Covid-19 là khó khăn chung của tất cả người dân, của toàn xã hội chứ không chỉ của riêng ngành hàng không.
Hãng bay nhỏ chủ yếu dùng chiến lược giá rẻ để thâm nhập thị trường, nhờ vậy mà hàng không mới cạnh tranh sôi nổi, phát triển như bây giờ. Áp giá sàn, giá trần là bước thụt lùi, chỉ lợi cho những hãng bay lớn lâu năm. Hãng nhỏ sẽ khó cạnh tranh. Hệ quả sẽ bóp nghẹt thị trường tự do và gây thiệt hại nặng nề đến quyền lợi người tiêu dùng.
Không nên áp giá trần hay sàn cho bất cứ sản phẩm nào, vì nó sẽ là tiền lệ xấu. Rồi sau đó, các mặt hàng khác cũng yêu cầu áp giá sàn với cùng lý do thì sao? Chuyện doanh nghiệp bán sản phẩm giá cao hay thấp là do thị trường. Muốn tăng chất lượng dịch vụ thì ra luật chế tài dịch vụ, ví dụ: chậm chuyến, hủy chuyến phải bồi thường, cho trả vé trước bảy ngày... Khi đó, tự các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh.
>> 'Nhiều nhân viên hàng không Việt nói chuyện với hành khách như ban ơn'
Trong khi đó, không ít ý kiến lại có cái nhìn trái chiều khi chỉ ra những điểm tích cực của đề xuất áp giá sàn vé máy bay:
Kinh tế thị trường không đơn giản. Hãy thử phân tích xem, vé "0 đồng" nghĩa là chuyến bay đó hành khách chỉ phải chịu thuế, phí sân bay. Nhưng tiền xăng dầu, tiền phí cung cấp dịch vụ của sân bay cho hãng, tiền trả lương cho phi công, tiếp viên, phục vụ mặt đất... hãng sẽ vẫn phải trả. Như vậy, chuyến bay đó lỗ hoàn toàn? Nhưng tại sao họ vẫn khuyến mãi kịch sàn? Đơn giản họ có nguồn tiền khổng lồ.
Về trước mắt, khách hàng sẽ thấy được lợi về giá nên chọn hãng. Nhưng lâu dài, điều này sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, khi mà các hãng đối thủ không thể đấu vốn mãi được. Rồi đến lúc họ sẽ triệt tiêu được các hãng cạnh tranh và đương nhiên trở thành độc quyền. Mà khi đã độc quyền, họ muốn làm gì cũng được. Lúc đó, đừng nói tăng giá vé sàn hay trần, mà tăng gấp 5 hay 10 lần thì hành khách cũng phải chịu. Hàng không là ngành đặc thù, không phải muốn thành lập là được. Đến lúc đó, thử hỏi có hàng không mới nào đủ sức cạnh tranh lại hay không?
Chính vì áp giá sàn mới có lợi cho người tiêu dùng vì cạnh tranh lành mạnh trên chất lượng dịch vụ. Còn đằng này, bán vé "0 đồng" là đang lấy vốn đè người. Trước mắt, người tiêu dùng có thể có lợi, nhưng đến lúc hãng đạt được mục đích thì họ muốn tăng gấp 10 lần, người tiêu dùng cũng phải chịu.
Có thể ra chế tài với hãng nào bán vé giá quá thấp so với chi phí đầu vào cơ bản, tương tự quy định chống bán phá giá của nước ngoài. Nếu không, sẽ không thể chống lại kiểu cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng ta hoàn toàn có thể tính được chi phí đầu vào cơ bản nên có thể xác định được doanh nghiệp nào phá giá hay không?
Có thể Vietnam Airlines có lý do để đề xuất giá vé sàn vì trong năm vừa rồi, họ lỗ ngót nghét 10.000 tỷ đồng. Khi các đường bay quốc tế sinh ra tiền bị chặn đứng thì đường bay trong nước là nơi Vietnam Airlines phải cạnh tranh khốc liệt với các hãng khác - những nơi sẵn sàng giảm giá, bán vé "0 đồng" chỉ để lấp đầy chỗ trống trên chuyến bay.
Việc các hãng set một giá nhất định là để bảo vệ tất cả những người trong cuộc. Người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì thực sự là thị trường hàng không ở Việt Nam đang bị méo mó, giá vé nhiều khi rẻ đến mức bất hợp lý.
Tôi nghĩ rằng, giá vé quá rẻ không giúp các công ty trong ngành đủ khỏe để cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Và đặc biệt là khi các hãng luôn tung chiêu trò như giá vé "0 đồng" nhưng lại phải trả đến 400-500 nghìn đồng tiền thuế, phí các kiểu.
Lê Phạm tổng hợp
>> Theo bạn, có nên áp giá sàn vé máy bay? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net