Chia sẻ xung quanh câu chuyện "Địa phương ồ ạt đề xuất quy hoạch sân bay", nhiều độc giả VnExpress đồng tình:
Tôi hoan nghênh mỗi tỉnh có sân bay. Nhưng hãy sử dụng kinh phí của chính địa phương. Đừng lấy ngân sách quốc gia. Hiện nay sân bay Long Thành chiếm kinh phí lớn không cần thiết, đó không phải là phát triển mà chỉ là mang nợ. Vì vậy, hãy xác định có cần thiết xây dựng sân bay hay không bằng việc xác định lấy kinh phí từ đâu cho việc thực hiện?
Quy hoạch sân bay là để dành quỹ đất chứ không phải xây ngay nên không thể nói là lãng phí. Sẽ có ngày Việt Nam giàu mạnh (mục tiêu năm 2045), lúc đó mỗi tỉnh cần một sân bay nội địa là chuyện bình thường. Mỹ diện tích lớn hơn Việt Nam gấp 30 lần và họ đã có hơn 500 sân bay dân dụng. Nếu trong tương lai, Việt Nam có hơn 63 sân bay cũng không phải chuyện lạ.
Tôi cho rằng, thay vì đầu tư quá nhiều vào dự án sân bay cũ như mở rộng, cải tạo... thì các tỉnh nên phát triển sân bay nội địa mới. Đây là điều cần thiết để giảm tải, hơn nữa rất phù hợp với sự phát triển của các địa phương. Tôi hiện sống tại Bình Dương, thấy rằng lực lượng lao động ngoại tỉnh rất nhiều, đặc biệt là lượng chuyên gia tới công tác. Nhiều lúc muốn đi du lịch, về quê hay đi công tác... rất thèm có sân bay của tỉnh nhà, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí và nhiều thứ khác.
>> Tôi phải chờ 40 phút máy bay mới cất cánh tại Tân Sơn Nhất
Trong khi đó, không ít ý kiến lại cho rằng việc quy hoạch sân bay ồ ạt sẽ gây lãng phí, không hiệu quả thiết thực bằng việc phát triển cao tốc, đường sắt:
Nhiều người toàn đi so với Mỹ trong khi cái cần đầu tư nghiêm túc trước tiên đó là đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Cần đánh dấu mốc quy hoạch kinh tế và các khu công nghiệp tại từng địa phương, liên kết hình thành theo dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam, bố trí khoảng cách từ các khu công nghiệp tới các khu đô thị, đảm bảo di chuyển các điểm tối đa là 30 phút. Hình thành hệ thống vận tải công cộng chuyên nghiệp, nơi có mật độ dân cư cao và thường xuyên di chuyển. Khi đó xe buýt chạy 24/24h, tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân, qua đó cũng có thể giảm áp lực dân cư tại các trung tâm lớn.
Đến bây giờ, còn rất hiếm thấy cứu hộ, cứu nạn đưa nạn nhân trực tiếp bằng máy bay về bệnh viện thì đừng lấy lý do này để lên dự án xây dựng sân bay. Một số sân bay hiện nay có chuyến bay vào ban đêm, nhưng các dịch vụ ăn uống giải trí để chờ chuyến gần như rất nghèo nàn, thậm chí không bằng ở bến xe. Cố xây dựng sân bay cho bằng được, nhưng vì ít khách đến và đi nên dịch vụ hạ tầng sân bay rất kém, như vậy làm sao vì phát triển du lịch được?
Theo tôi, nếu quy hoạch mạng sân bay trong nước, nên cân nhắc kỹ về yếu tố phát triển kinh tế, du lịch và đi lại của người dân. Nếu hệ thống đường cao tốc, đường sắt đã đủ tốt, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì không cần phải xây dựng sân bay, rất tốn kém tiền của từ nhân dân. Một số sân bay hiện có như: Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên Phủ... một tuần chỉ có vài chuyến bay ATR72 nhưng cũng không lấp kín chỗ được. Một là giá vé máy bay đang rất rất cao, chưa phù hợp với thu nhập của người dân; hai là thời gian chờ đợi làm thủ tục rất lâu, thậm chí chậm và hủy chuyến nhiều nên mọi người vẫn chọn phương tiện ôtô bởi thuận tiện hơn. Vẫn biết rằng hàng không có mức độ an toàn cao, nhưng nếu cứ tỉnh nào cùng muốn xây sân bay thì đến lúc sẽ bão hòa và bỏ trống rất lãng phí.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lê Phạm tổng hợp