Thông tin này thu hút sự quan tâm của một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực quản lý công nghệ năng lượng sạch như tôi.
Bên cạnh niềm vui của người dân vùng dự án, tôi đọc được nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn nên phát triển điện hạt nhân. Lý do là điện hạt nhân hiện nay đã có "giá rẻ, an toàn, giúp ổn định lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, và Việt Nam không thể đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà không có điện hạt nhân". Năm ngoái, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và một số chuyên gia cũng đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tính đến cuối năm 2021, thế giới có 439 lò phản ứng điện hạt nhân hoạt động tại 32 quốc gia. Tổng công suất điện hạt nhân toàn cầu là 413 GW, tức gấp 6 lần quy mô công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam. Sản lượng điện hạt nhân hiện chiếm 10% tổng sản lượng điện năng toàn cầu.
Kể từ thảm họa hạt nhân Fukushima, việc xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy điện hạt nhân chủ yếu diễn ra tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, UAE, Belarus và Nga, trong đó Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu. Chỉ có hai nước phát triển đưa vào vận hành điện hạt nhân giai đoạn này là Hàn Quốc và Phần Lan. Hiện có 52 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng với tổng công suất 54 GW, riêng Trung Quốc đã chiếm một phần ba.
Gần 70% công suất các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành thuộc các nước phát triển tại châu Âu và Bắc Mỹ. Đa số nhà máy này sắp đển "tuổi nghỉ hưu" khi phần lớn chúng được xây nên để đối phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970. Phần còn lại của thế giới là các nhà máy "trẻ" tại Trung Quốc (trung bình 5 năm), Ấn Độ (15 năm)...
IEA tính toán rằng con đường để đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của nhân loại sẽ "gập ghềnh" hơn nếu thiếu điện hạt nhân. Để đạt Net Zero, công suất điện hạt nhân phải tăng lên gấp đôi trong gần 30 năm tới, nhưng tỷ trọng sản lượng giảm xuống 8%. Các nước đang phát triển và mới nổi đóng góp 90% sự tăng công suất này, trong khi các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp và Canada chỉ góp thêm 10%.
Liệu rằng chừng ấy có đủ là lý do thuyết phục Việt Nam tiếp bước con đường điện hạt nhân? Câu chuyện về nhà máy điện hạt nhân Bataan của Philippines sẽ phần nào gợi mở cho bạn đọc.
Cách Ninh Thuận chưa đầy 1.300 cây số về phía Đông Bắc bên kia biển Đông, nhà máy Bataan là giấc mơ điện hạt nhân dang dở của người Philippines. Nhà máy Bataan từng được kỳ vọng đưa nước này thành quốc gia đầu tiên có điện hạt nhân ở Đông Nam Á, dù có nhiều phản đối và tranh cãi về an toàn.
Với giá thầu 500 triệu USD năm 1974, Westinghouse Electric được giao trọn gói xây nhà máy vì rẻ hơn giá chào 700 triệu USD của General Electric. Vài tháng sau thắng thầu, Westinghouse điều chỉnh giá lên 1,2 tỷ USD. Chính thức khởi công năm 1976 và hoàn thành sau gần một thập kỷ, tổng chi phí xây nhà máy vọt lên 2,3 tỷ USD. Thời gian xây nhà máy lâu hơn gấp đôi, vốn đội lên gấp 4,6 lần nhưng công suất lắp đặt (620 MW) chỉ bằng một nửa so với thỏa thuận ban đầu.
Đó vẫn chưa phải là "chén đắng" cuối cùng mà người Philippines phải uống. Năm 1986, những người quản lý nhà máy đã sẵn sàng thực hiện công đoạn cuối cùng: đưa các thanh nhiên liệu uranium vào các lò phản ứng hạt nhân và bấm nút khởi động. Tuy nhiên, hai biến cố lớn đã làm thay đổi tất cả: nhà độc tài Marcos bị lật đổ và thảm họa hạt nhân Chernobyl kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại xảy ra. Sau khi các thanh sát viên quốc tế kết luận nhà máy Bataan không đủ an toàn để hoạt động, chính phủ mới của Philippines thời đó quyết định "đắp chiếu" nhà máy, chấp nhận "thà một lần đau".
Thực tế, nỗi đau của người Philippines còn kéo dài lâu hơn, đến tận hôm nay và mai sau. Phải cần 31 năm sau, người Philippines mới thôi "còng lưng" trả góp số tiền 2,3 tỷ USD đã bỏ ra, dù nhà máy điện hạt nhân Bataan chưa hoạt động phút giây nào. Hàng năm, Philippines phải tốn đến 2,5 triệu USD để bảo dưỡng con quái vật trong hình hài bê tông sắt thép. Từ nuclear (hạt nhân), người Philippines nói nhại thành noo-clear (ảo ảnh).
Thế giới không chỉ có mỗi "con quái vật điện hạt nhân" như Bataan phải ngủ yên. Hàng chục nhà máy điện hạt nhân đã phải "đắp chiếu" vì không an toàn và gặp phải làn sóng phản đối của người dân: Zwentendorf (Áo), Belene (Bulgaria), Kalkar, Wyhl (Đức), Montalto di Castro (Italy), Superphénix (Pháp), Shoreham, Satsop, Seabrook (Mỹ)...
Việt Nam có gì ưu việt hơn để không đi vào vết xe đổ của những nhà máy trên, nếu đầu tư vào điện hạt nhân? Tôi muốn đưa ra 7 lý do Việt Nam không nên đầu tư điện hạt nhân, ít nhất trong 30 năm tới. Các số liệu dưới đây tham khảo từ nghiên cứu của IEA, sử dụng năm cơ sở là 2030.
Thứ nhất, về giá. Suất đầu tư và giá điện hạt nhân không rẻ. Trong khi hầu hết các nguồn điện và hệ thống lưu trữ đều giảm giá theo thời gian, chi phí đầu tư điện hạt nhân tiếp tục tăng vì những yêu cầu ngày càng cao về an toàn. Gần đây, vài nước như Mỹ, Anh, Hungary, Phần Lan, Cộng hòa Czech... quyết định kéo dài thời hạn các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và sắp "nghỉ hưu" từ 40 năm lên 60 năm. Việc làm này có hiệu quả về tài chính, khi suất đầu tư để kéo dài tuổi thọ chỉ khoảng 500 USD đến 1.100 USD trên 1 kW công suất, và giá điện ước tính chỉ khoảng 4 cent/kWh. Giá này quá hấp dẫn so với Việt Nam (bình quân 8 cent/kWh), có điều, đây chỉ là mơ ước.
Trong khi đó, suất đầu tư xây nhà máy mới trung bình 5.000 USD trên 1 kW, quy ra giá điện khoảng 7,5 đến 12,5 cent/kWh. Đó vẫn là ước tính lạc quan cho các quốc gia có nền tảng vững mạnh về điện hạt nhân. IEA cho rằng giá này còn cao hơn đa số dự án điện gió và mặt trời ngay cả khi kết hợp hệ thống pin lưu trữ, nên điện hạt nhân vẫn rất khó cạnh tranh.
Với những nước đầu tư từ "bài học vỡ lòng" (first-of-a kind) như Việt Nam, suất đầu tư lên đến 9.000 USD trên 1 kW mà chưa tính chi phí tài chính, quy ra giá điện khoảng 13,5 đến 22,5 cent/kWh. Theo ước tính của Viện Năng lượng, giá điện hạt nhân tại Việt Nam khoảng 17,5 cent/kWh.
Để tham khảo, suất đầu tư của hầu hết dự án điện khí Việt Nam đều dưới 1.000 USD trên 1 kW. Hơn nữa, điện khí có tính linh hoạt về điều chỉnh công suất vượt trội so với điện hạt nhân, điều tối quan trọng trong lưới điện cần tỷ trọng cao của năng lượng tái tạo. Do vậy, chỉ riêng về giá, điện hạt nhân đã không khả thi với Việt Nam.
Thứ hai, rủi ro với số lượng hạn chế các nhà cung cấp và nguy cơ chậm tiến độ. Sự "già hóa" của những lò phản ứng hạt nhân tại phương Tây thời gian qua cũng kéo theo sự chuyển dịch sân chơi công nghệ điện hạt nhân về Nga và Trung Quốc. Trong 31 lò phản ứng hạt nhân được xây dựng kể từ 2017, có 17 lò từ Nga, 10 từ Trung Quốc, hai từ Hàn Quốc và hai từ châu Âu. Hiện tại, số công ty có thể xây nhà máy điện hạt nhân trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu làm điện hạt nhân, 90% khả năng dự án rơi vào tay các nhà thầu Nga và Trung Quốc.
Chậm tiến độ và đội vốn có thể xem là căn bệnh kinh niên của điện hạt nhân, dù được xây ở các cường quốc hạt nhân hay những quốc gia mới nổi. Tổ máy 3 và 4 của nhà máy điện hạt nhân Vogtle ở bang Georgia (Mỹ) dự kiến cần chín năm mới hoàn thành, dù ước tính chỉ bốn năm. Tổ máy Shin Kori 3 and 4 (Hàn Quốc) cần bảy năm rưỡi và 10 năm mới lắp xong, dù kế hoạch là năm năm. Nhà máy Olkiluoto (Phần Lan) trễ 13 năm, nhà máy Taishan 1 and 2 (Trung Quốc) trễ gần năm năm. Kèm theo chậm trễ là đội vốn nhiều lần, tất cả đều được đưa vào giá điện.
Thứ ba, năng lực xây dựng, quản lý và vận hành điện hạt nhân của Việt Nam là con số 0 tròn trĩnh. Để theo đuổi giấc mơ hạt nhân, Việt Nam phải dựa gần như hoàn toàn vào nước ngoài, từ nhân lực, nguyên liệu, vốn đầu tư, đến thiết bị công nghệ. Giáo sư, tiến sĩ Trần Đại Phúc, chuyên gia tư vấn dự án điện hạt nhân Ninh Thuận từng nhận xét: Việt Nam chỉ đủ năng lực đổ bê tông xây hàng rào nhà máy. Việt Nam cũng hoàn toàn chưa có năng lực và kinh nghiệm về ứng phó thảm họa, trong khi ý thức về việc thực hành an toàn lao động còn rất hạn chế.
Với phần lớn nguồn điện khác, có thể chỉ cần "xuống tiền" là có nhà máy, điện hạt nhân không phải là trang sức của kẻ nhiều tiền, huống chi Việt Nam có nguồn lực rất khiêm tốn. Để có được thành quả điện hạt nhân như ngày nay, Trung Quốc phải trải qua 7 thập kỷ nghiên cứu và phát triển. So với trên 30 quốc gia đang vận hành hoặc đang xây dựng điện hạt nhân, có lẽ Việt Nam chỉ hơn Bangladesh về khoa học công nghệ.
Thứ tư, điện hạt nhân không chắc đảm bảo an ninh năng lượng, mà sự phụ thuộc điện hạt nhân sẽ đe dọa an ninh năng lượng của Việt Nam. Khi toàn bộ công nghệ, thiết bị, nhiên liệu hạt nhân đều phụ thuộc nước ngoài, an ninh năng lượng quốc gia sẽ nằm trong tay kẻ khác. Chưa kể, nhà máy điện hạt nhân luôn là mục tiêu nhạy cảm của những quốc gia không thân thiện.
Thứ năm, cái giá phải trả với thảm họa hạt nhân là rất lớn. Quản lý một nhà máy điện hạt nhân cũng không khác mấy so với sở hữu một quả bom hạt nhân. Bất kỳ sơ suất nào, dù là rất nhỏ, về thiết kế, xây dựng, vận hành đều phải trả giá.
Ông Nguyễn Khắc Nhẫn, cựu giáo sư về hạt nhân Đại học Grenoble, nguyên cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF) cho rằng: "Nếu một thảm họa như Chernobyl hay Fukushima xảy ra thì cả miền Trung Việt Nam sẽ bị phóng xạ bao trùm và đất nước ta sẽ bị chia đôi lâu dài. Du lịch, xuất khẩu, kinh tế sẽ tê liệt trong chớp nhoáng". Đó có phải là cái giá mà Việt Nam muốn trả để có điện hạt nhân?
Thứ sáu, rủi ro phóng xạ của chất thải hạt nhân. 70 năm kể từ khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành, thế giới vẫn chưa có quốc gia nào tìm được giải pháp xử lý chất thải hạt nhân bền vững. Các chất thải này tiếp tục sinh nhiệt hàng chục năm sau khi được lấy ra khỏi các lò phản ứng, có hoạt độ phóng xạ cao ở ngưỡng nguy hại cho con người từ 1.000 năm đến 10.000 năm sau. Trung bình, cụm điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ phát sinh khoảng 160 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng mỗi năm.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), có tới 370.000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng có hoạt độ phóng xạ cao đang được lưu trữ tạm thời trên khắp thế giới, và con số này tiếp tục tăng lên. Ngay cả những cường quốc hạt nhân như Mỹ, Pháp, Anh, Ukraine, Đức... đều đang cạn dần năng lực tồn chứa chất thải hạt nhân. Phần Lan và Thụy Điển là hai nước đầu tiên xây hầm chứa chất thải hạt nhân vĩnh viễn ở độ sâu đến 500 mét dưới lòng đất. Chưa có quốc gia nào ước tính được chi phí thật sự cho việc xử lý chất thải hạt nhân để đưa vào giá điện. Có thể khẳng định rằng, việc xử lý chất thải hạt nhân an toàn nằm ngoài tầm với của Việt Nam.
Thứ bảy, nếu không có điện hạt nhân, Việt Nam có thể đạt mục tiêu Net Zero hay không?
Theo kịch bản đạt Net Zero ngành năng lượng toàn cầu năm 2050 do IEA nghiên cứu, sản lượng điện từ các nguồn tái tạo chiếm đến 88%, điện hạt nhân 8%, còn lại là hydrogen và than, khí kết hợp lưu giữ carbon. Trong đó, điện gió và mặt trời đạt 68%, thủy điện 12%, các nguồn tái tạo khác 8%.
Theo Quy hoạch điện 8 của Việt Nam, để đạt mục tiêu Net Zero, sản lượng điện gió và mặt trời đạt 43,5%, thủy điện 9,2%, các nguồn nhiệt điện chạy ammonia, hydrogen chiếm gần 42%. Rõ ràng, Việt Nam chưa tính toán hết tiềm năng điện gió và mặt trời với dư địa gần 25% so với thế giới để đạt Net Zero, khi chi phí đầu tư hệ thống lưu trữ ngày càng giảm. Do vậy, đầu tư thêm điện hạt nhân là không cần thiết.
Tháng 4 vừa rồi, Đức đã đóng ba lò phản ứng hạt nhân cuối cùng, hoàn thành kế hoạch đóng toàn bộ 36 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 30 GW trong 20 năm. Các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sỹ cũng đều có kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân. Dù tạm thời dựa vào than và khí để phát điện thay thế, kế hoạch đạt Net Zero của các quốc gia này chủ yếu dựa vào năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ.
Các ý kiến ủng hộ điện hạt nhân thường dẫn lời ông Henri Paillere, một lãnh đạo của IAEA rằng: "Chúng ta không thể thực hiện chuyển đổi sang năng lượng sạch mà thiếu điện hạt nhân". Henri Paillere còn nói tiếp một câu quan trọng hơn nhưng ít được nhắc tới: "Điều đó không có nghĩa mọi quốc gia đều cần điện hạt nhân".
Với Việt Nam, điện hạt nhân chắc chắn là vấn đề, không phải là giải pháp. Ngành điện Việt Nam đang cần giải pháp, vì đã có quá nhiều vấn đề.
Nguyễn Đăng Anh Thi