Luật sư Khanh Huỳnh, đang sống ở Mỹ, chia sẻ bài viết về sự kiện Ánh Viên giải nghệ:
Một đêm mùa hè vừa rồi, tôi xem tường thuật trực tiếp Olympic từ Tokyo (Nhật Bản), đúng phần thi vòng loại môn bơi cự ly 800 mét mà Ánh Viên tham dự.
Phần thi đấu đó đã được tôi chia sẻ rồi. Cái mà tôi chưa kể là phần các vận động viên (VĐV) bơi đi ra từ phòng thay đồ. Nguyên vì các VĐV phải xếp hàng theo thứ tự, người bơi ở làn 8 đi ra đầu tiên để tiến thẳng tới làn 8, người sau sẽ tới làn 7... cho đảm bảo giãn cách xã hội. Vậy là VĐV đầu tiên đi ra là Ánh Viên. Cô mặc trang phục y như những lần đi SEA Games, với cái áo khoác đỏ bên ngoài.
Phần giới thiệu các VĐV khiến tôi liên tưởng tới phần xếp hàng khi sinh hoạt đầu tuần ở trường cấp 1, khi mà học sinh thấp đi trước, học sinh cao hơn đi sau. Ánh Viên thấp và nhỏ hơn tất cả các VĐV tham dự vòng loại đó. Vậy mà cô vẫn bơi với họ.
Lúc đó tôi đã ý thức được rằng đây có lẽ là lần cuối cùng tôi được thấy Ánh Viên bơi ở Olympic. Nhưng tôi không nghĩ đó là lần cuối cùng được thấy Ánh Viên bơi ở một cuộc tranh tài quốc tế. Chỉ vài tháng sau điều đó đã là nguyện vọng của Ánh Viên. Tất nhiên ai cũng có thời. Ánh Viên biết rõ mình ở đâu. Cô ấy cũng là một con người, cũng cần có gia đình, có thời gian để xây dựng một sự nghiệp sau giải nghệ, và cũng cần cả phần còn lại của tuổi trẻ.
Những lời bình phẩm về thành tích của Ánh Viên cũng trùng hợp với biểu đồ phong độ của cô. Những lời ca ngợi vang lên cao nhất khi đỉnh cao phong độ và những lời cay nghiệt dâng lên theo phong độ đi xuống. Buồn cười nhất là mấy lời như "không được thì nhường chỗ cho VĐV trẻ hơn", hay là "đầu tư bao nhiêu đó mà chỉ có được như vậy".
Một suất bơi ở Olympic không phải được phân bổ kiểu thầu khoán. Không có chuyện một nước được phân cho một vé và nước đó muốn cử ai thì tùy. VĐV phải đạt được chuẩn thì mới được đi.
Chuyện đầu tư còn vô lý hơn. Khoản đầu tư 30 tỷ cho Ánh Viên rất xứng đáng, bởi những thành tích cô đạt được trước giờ chưa có tay bơi Việt Nam nào đạt được. Đáng nói hơn, khoản tiền đó là một sự cố gắng rất lớn của thể thao Việt Nam, là ngân sách của cả môn bơi. Những đó cũng chỉ là khoản đầu tư mà một VĐV bơi cấp trường của Mỹ nhận được. Thành tích của Ánh Viên thì hơn rất nhiều VĐV cấp trường ở Mỹ.
Người ta thường hay nói tới chuyện "giấc mơ cha đè nát cuộc đời con" khi nghĩ về những ước mơ của cha mẹ mà đứa con phải gồng mình ra gánh. Điều đó nó cũng như thái độ của một số người Việt. Họ cho rằng số tiền đầu tư đã bỏ ra cho Ánh Viên phải đem về những huy chương Olympic, hay ít nhất cũng là một suất thi đấu trong vòng chung kết.
>> 'Thể thao Việt đứng top SEA Games, trầy trật Olympic'
Những bậc cha mẹ ít thành công, mong muốn cố gắng đầu tư cho con cái để thỏa mãn cái tôi của mình. Chưa chắc họ đã nghĩ tới chuyện bản thân mình có bằng cha mẹ nhà người ta hay không. Những người phàn nàn về thành tích của Ánh Viên cũng có thái độ tương tự. Họ đòi hỏi Ánh Viên phải như vận động viên nhà người ta mà không tự suy nghĩ xem khoản tiền đầu tư đó có giống với nước người ta hay khong.
Chỉ có Ánh Viên là hiểu rõ nhất giới hạn của mình ở đâu. Bên cạnh đó là các nhà quản lý của Tổng cục thể dục thể thao. Những người "làm nghề" đều biết khả năng của mình ở đâu. Cả "cha mẹ" lẫn "con cái" trong mối quan hệ này đều không bị mắc cái bệnh "nhà người ta". Vậy mà vẫn có những người không liên quan trực tiếp nhưng lại chỉ trích suốt ngày.
Nhưng tôi cũng đang nghĩ tới "người hâm mộ nhà người ta" đấy thôi. Ánh Viên có lẽ cũng chẳng có thời gian để nghĩ đến họ. Sau khi giải nghệ, Ánh Viên sẽ có thời gian để nghĩ tới những thứ ngoài bể bơi, và chắc chắn những thứ đó sẽ không bao gồm những người buông lời đắng cay.
Khi sự nghiệp thể thao chấm dứt cũng là lúc cuộc sống riêng của Ánh Viên bắt đầu.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.