"Tôi thấy chúng ta chỉ chú trọng vào thành tích ở SEA Games. Đấu trường mà Việt Nam dễ dàng giành huy chương với thế mạnh các môn võ. Chúng ta chưa có tư duy về một sân chơi lớn hơn là Asiad và lớn nhất là Olympic. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có khả năng đoạt huy chương ở bộ môn nào ở Olympic?
Trước hết phải xác định ngay thể chất người Việt có thể cạnh tranh ở môn nào? Từ đó mới có quyết định đầu tư lâu dài, bỏ bớt những môn "ao làng" chẳng mấy ai chơi. Chúng ta nên học hỏi những nước Trung Mỹ như Jamaica, Bahamas... họ xác định ngay thế mạnh là điền kinh cự ly ngắn và tập trung phát triển để tranh huy chương.
Hay như các nước châu phi như Kenya, Ethiopia... kinh tế còn nghèo thì họ xác định ngay điền kinh cự ly trung bình đến cự ly dài là phù hợp với điều kiện của họ. Vì thế, kỳ Olympic nào họ cũng gặt hái huy chương đủ màu.
Chính ta nên nhìn xa một chút, chỉ nên tập trung ở các môn Olympic. Còn cứ dàn trải, môn nào cũng làm để tranh huy chương SEA Games thì cuối cùng sẽ hụt hơi mà thôi. Như Thái Lan và Malaysia, chừng 5 năm gần đây, họ gần như bỏ bê các môn không còn quan trọng thành tích với họ nữa".
Độc giả Phuong phân tích và bình luận về kỳ Olympic chưa trọn vẹn của Việt Nam. Theo đó, lần đầu tiên kể từ năm 2004, đoàn thể thao Việt Nam trắng tay ở một kỳ Olympic.
Dù vẫn có một số điểm sáng tại Tokyo 2020 như kỳ tích của Quách Thị Lan ở hạng mục chạy 400m rào, tay vợt cầu lông Nguyễn Thuỳ Linh dù không vượt qua vòng bảng, cũng thắng hai trận và gây nhiều khó khăn cho số một thế giới Tai Tzu Ying... Tuy nhiên, những điểm sáng đó là không đủ. Thể thao Việt Nam có chú trọng phát triển trọng tâm những môn chủ chốt để tăng cơ hội giành huy chương Olympic chưa?
Độc giả có nickname truongngocthuydalat72 nêu thành tích của các quốc gia láng giềng Đông Nam Á và so sánh: "Các vận động viên đã nỗ lực hết mình và chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Tiếc rằng trình độ chuyên môn, kỹ chiến thuật chúng ta có hạn nên không thể tranh chấp huy chương.
Những người làm công tác thể thao của nước nhà cần nhìn lại vấn đề này. Ở Đông Nam Á, các nước có thành tích như sau: Indonesia (1 vàng, 1 bạc, 3 đồng), Thái Lan (1 vàng), Philippines (1 vàng), Malaysia (1 đồng). Họ có sự đầu tư tập trung cho những môn thế mạnh.
Thể thao Việt dường như vẫn chưa thoát khỏi tư duy "bệnh thành tích" ở đấu trường khu vực Sea Games. Kết quả hôm nay cho thấy nếu không có sự cải tổ triệt để thì ở 2,3 kỳ Olympic tới, khó có VĐV bức lên bục nhận huy chương.
SEA Games 29 (2017, tại Malaysia) Việt Nam xếp thứ ba với 58 huy chương vàng, 50 huy chương bạc, 60 huy chương đồng. SEA Games 28 (2015, tại Singapore): Việt Nam đứng thứ 3 (73 huy chương vàng, 53 huy chương bạc, 60 huy chương đồng). SEA Games 27 (2013, tại Myanmar): Việt Nam xếp thứ 3 (73 huy chương vàng, 86 huy chương bạc, 86 huy chương đồng)... Điểm qua thành tích của Việt Nam tại các kỳ SEA Games gần nhất, thể thao Việt luôn đứng top 3 nhưng lại chật vật ở các kỳ Olympic. Đây cũng là băn khoăn của độc giả có nickname Trai Bắc:
"Chúng ta luôn đứng top 3 SEA Games với cả trăm huy chương, thậm chí luôn xếp trên Indonesia (trừ khi họ đăng cai tổ chức). Nhưng đến Asian Games và Olympic thì hầu như lặn mất tăm. Việt Nam nên học hỏi Thái Lan và Indonesia tập trung đào tạo môn thế mạnh. Thái Lan tập trung cử tạ, taekwondo trong khi Indonesia đã có 8 HCV cầu lông trong lịch sử".
Độc giả tien sy Nguyen có cùng nhận định: "Cũng tập trung ở các môn Olympic phù hợp với thể hình nhỏ như ta nhưng các nước Đông Nam Á đều có thế mạnh riêng. Thái Lan có boxing, Indonesia có cầu lông, Singapore có bơi lội và bóng bàn.
Còn chúng ta chẳng có môn nào tầm cỡ thế giới. Tiềm năng con người có nhưng bước phát hiện và phát triển tài năng của chúng ta không hơn gì các nước trong khu vực. Chừng nào hướng nghiệp từ bậc phổ thông còn chưa phổ biến thì sẽ khó có nhiều nhân tài cho thể thao nước nhà. Phần lớn các em theo thể thao vì là con nhà nòi hoặc không có điều kiện học hành lên cao chứ chưa phải là những em có tố chất phù hợp nhất. Chúng ta cần tiếp tục kiên nhẫn, mèo nhỏ bắt chuột nhỏ".
Bên cạnh đó, độc giả có nickname honguyentuanhoangdx phân tích và đưa ra hy vọng: Sự thật là thể thao Việt Nam tiến bộ so với hồi trước rất nhiều. Ngày xưa SEA Games trong khu vực còn kém Thái Lan, Indonesia, thậm chí cả Malaysia, Singapore. Giờ thể thao Việt Nam được đầu tư đã vươn lên hàng đầu khu vực.
Còn Olympic là cả một khoảng cách rất xa. Họ có môn thế mạnh mà có thể vươn lên đầu thế giới hàng chục năm trước rồi. Còn nhìn lại SEA Games mà xem, Việt Nam thế mạnh ở điền kinh, bơi lội. Cái khó là những môn đó cạnh tranh gần như không thể ở Olympic. Nhưng ở Asiad 2018, chúng ta cũng đã có HCV điền kinh. Asiad sắp tới, chúng ta hy vọng sẽ giành được HCV môn bơi nữa.
Thất bại ở Olympic chưa chứng tỏ thể thao Việt Nam tụt hậu so với Đông Nam Á, nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho liên đoàn thể thao Việt Nam. Chúng ta phải có chiến lược đầu tư đúng đắn. Dù gì một đất nước 100 triệu dân, yêu thể thao mà vẻn vẹn 4 huy chương Olympic sau 40 năm tham gia (một HCV) thì buồn thật.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.