Singapore và một vài quốc gia có dân số ít ỏi có thể tập trung huấn luyện "gà chọi". Việt Nam với dân số gần trăm triệu người có cần phải như thế không?
Thể thao của các nước tiên tiến bao giờ cũng dựa vào thể thao học đường. Bắt đầu từ lúc học sinh 6 tuổi vào học lớp Một. Họ sẽ đo các chỉ số về thế chất của từng học sinh và tổ chức đăng ký những cuộc thi đấu thể thao trong nội bộ trường học. Từ các môn cá nhân như điền kinh, bơi lội... đến các môn đồng đội như bóng đá, bóng chuyền.... Ai thích môn nào thì đăng ký môn đó. Với lứa tuổi này, nói chơi thể thao thay vì thi đấu thì đúng hơn. Giáo viên chỉ có nhiệm vụ dạy cho học sinh biết cách chơi đúng cách, đúng luật.
Vào trường học của họ chỉ thấy học sinh chơi nhiều hơn học. Thật ra, chơi cũng là học mà học cũng là chơi. Như thế mới có hứng thú để học. Càng học lên cao thì càng nghiêm túc hơn. Học ra học, chơi ra chơi, học cái gì có thể ứng dụng được ngay. Do đó, học sinh học ít nhưng đòi hỏi đào sâu kiến thức rất nhiều. Ví dụ, làm một bài luận văn với chủ đề cho trước. Tùy theo điểm số của bài luận có tầm quan trọng như thế nào (có tính hệ số) mà người ta cho học sinh thời gian để làm bài. Thời gian có thể là một tuần hay một tháng và học sinh sẽ làm ở nhà, đến hạn phải nộp bài. Học sinh có toàn quyền lật mở mọi loại sách báo, internet để tìm tài liệu tham khảo.
Còn chơi sẽ không chỉ là chơi thể thao nữa mà còn có chơi nghệ thuật (vẽ, đàn, hát,...). Càng học lên cao càng nghiêm túc chuyên sâu, chơi càng mang tính đồng đội hơn cá nhân. 6 tuổi có kỷ lục của 6 tuổi. 7 tuổi có kỷ lục của 7 tuổi. Cứ như thế, 15-16 tuổi có em đã trở thành VĐV quốc gia là bình thường. Tất nhiên các VĐV này vẫn ăn ở nhà, học ở trường như mọi học sinh khác, chỉ có chế độ sinh hoạt tập luyện sẽ theo giáo án của các chuyên gia thể thao, dinh dưỡng, y tế. Không có ai bị tập trung vào một lò nào đó để đào tạo riêng.
Bởi vậy, hầu hết các VĐV cấp quốc gia của Mỹ đều là "dân thường", rất ít người là VĐV chuyên nghiệp. Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ... còn có chuyên nghiệp, chứ điền kinh, bơi lội rất ít. Thể thao trước hết là phải có đam mê. Đó là chuyện của cá nhân bạn. Nhưng nếu đam mê tạo nên thành tích có thể đem thi đấu quốc tế thì nhà nước sẽ dùng tiền để tài trợ. Người ta tìm kiếm và đào tạo tài năng như vậy chứ không phải là huấn luyện "gà chọi" như ở ta.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> CSGT ra đường để răn đe, không phải trừng trị
>> 'Xây đường sắt cao tốc 350 km/h là liều lĩnh'
>> 'Nhà tôi phân loại rác nhưng công nhân vệ sinh vẫn đổ lẫn vào với nhau'
Ở Việt Nam, ai có thể cạnh tranh với Ánh Viên? Không có. Còn ở Mỹ và các nước khác, để có một suất đứng trong đội hình tuyển quốc gia, họ phải cạnh tranh kịch liệt với nhau với thành tích mà người này chỉ hơn người kia một xíu mà phần nhiều là do may mắn. Một tấm HCV Olympic là được thưởng một số tiền đủ để sống cả đời sau khi giã từ sự nghiệp thể thao, ai không ham? Bởi vậy, giải vô địch thế giới của từng bộ môn không được quan tâm bằng giải Olympic. Bộ mặt của nền thể thao sẽ được phơi ra toàn diện ở giải đấu đẳng cấp nhất hành tinh này.
Cho dù Ánh Viên có vô địch thế giới hay đoạt huy chương vàng Olympic cũng không thể bảo chứng nhiều người Việt Nam đều biết bơi và bơi giỏi.
Tôi đã xem một khách du lịch phương Tây bơi trong bể của một khách sạn 5 sao ở TP HCM. Anh ta không phải là VĐV thể thao, chỉ là một doanh nhân bình thường nhưng bơi rất giỏi (bơi nhẹ nhàng hàng chục vòng quanh bể bơi gần như không có tiếng động, không quẫy nước ầm ầm). Anh ta nói những người có thể bơi như anh ta ở nước họ là bình thường. Bao nhiêu người Việt Nam đạt đến trình độ bơi "bình thường" ấy? Thể thao "gà chọi" có thể đại diện cho thể thao toàn dân không?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.