HLV chỉ giỏi đưa ra kế hoạch tập luyện chứ đâu phải chuyên gia dinh dưỡng. Mà chuyên gia dinh dưỡng phải là chuyên gia riêng của thể thao chứ không phải chuyên gia dinh dưỡng chung chung. HLV có thể nâng cao thành tích cho VĐV trong thời gian ngắn còn nền tảng của thành tích ấy phải do chuyên gia dinh dưỡng thực hiện trong một quá trình khá dài.
Khác với bóng đá chỉ cần kết quả thắng thua, điền kinh hay bơi lội có tính đối kháng không cao. Những môn thể thao này đặt nặng phong độ và thành tích lên trên từ đó quyết định thắng, thua. Thành tích được đo bằng thời gian (bơi, chạy), độ dài (nhảy xa, ném tạ), độ cao (nhảy cao, nhảy sào). Thành tích của Ánh Viên đã vượt khỏi Đông Nam Á nhưng chưa tiệm cận được châu lục. Ở giải vô địch thế giới, thành tích của châu lục chỉ để tham khảo. Cho dù Ánh Viên có đạt thành tích cá nhân cao nhất, may lắm là vượt qua được vòng loại.
Cũng giống như bóng đá, điền kinh, bơi lội phải tuyển chọn vận động viên từ năm 6 tuổi, liên tục huấn luyện đào tạo và thi đấu để rèn luyện tâm lý và giữ vững phong độ, không ngừng nâng cao thành tích cho đến khi tiệm cận kỷ lục quốc gia. Chỉ cần đạt đến thành tích này, bất kể ở độ tuổi nào, VĐV đó sẽ được đưa vào đội hình của tuyển quốc gia.
Trong quá trình này, chế độ dinh dưỡng là quan trọng nhất. Lượng calo nạp vào sau mỗi bữa ăn phải được dùng hết trong luyện tập chứ không phải ăn càng nhiều, càng bổ càng tốt. Thức ăn phải làm sao dễ tiêu hóa nhằm cung cấp calo nhanh nhất và phải được xài hết sau một ngày tập luyện.
>> Ánh Viên xuống sức ở tuổi 23 vì chạm ngưỡng hay đầu tư nửa vời?
Tôi đã xem VĐV Việt Nam ăn. Thật sự là ăn nhồi ăn nhét với những thức ăn toàn bộ là bổ dưỡng đắt tiền nhưng lại khó tiêu hóa. Ăn no căng bụng nhưng VĐV vẫn cảm thấy đói sau tập luyện vì thức ăn ấy chưa kịp tiêu hóa. Đợi tiêu hóa xong thì phải chờ một thời gian nữa mới tới giờ luyện tập tiếp theo. Tức là năng lượng nạp vào không dùng để chạy "động cơ" mà chỉ dùng để tích lũy nạp vào "ắc quy", đến khi chạy "động cơ" thì dùng năng lượng ấy thường không đủ dùng. Kỳ nạp năng lượng và kỳ chạy không phối hợp được với nhau. VĐV bơi của người ta cao và "mảnh mai" còn VĐV bơi của ta thì trông hơi "béo".
Tính toán dinh dưỡng không phải là 100 gram thức ăn này cho bao nhiêu calo và phải ăn hết bao nhiêu mới đủ calo, ngày nay người ta phải tình sao cho lượng calo vừa nạp vào xong phải tiêu hóa thật nhanh và xài hết ngay trong tập luyện. Điều này không chỉ phụ thuộc vào tính toán vật lý mà còn phải nghiên cứu "cơ địa" riêng của từng VĐV. Cũng ăn loại thức ăn ấy, VĐV này tiêu hóa nhanh, VĐV kia tiêu hóa chậm. Cho nên không phải ai cũng ăn giống nhau.
Ngoài ra người ta còn dùng các loại thuốc để giúp tiêu hóa nhanh. Những loại thuốc này rất dễ nhầm với dopping (cũng dùng để kích thích chuyển hóa năng lượng nhanh). Bởi vậy, tập luyện ăn khác thi đấu ăn khác (thi đấu dễ bị kiểm tra doping).
>> Bài viết cùng tác giả:
>> CSGT ra đường để răn đe, không phải trừng trị
>> 'Xây đường sắt cao tốc 350 km/h là liều lĩnh'
>> 'Nhà tôi phân loại rác nhưng công nhân vệ sinh vẫn đổ lẫn vào với nhau'
Một VĐV tuyển quốc gia đi thi đấu bao giờ cũng có ít nhất ba "nhân viên" phụ tá là: chuyên gia dinh dưỡng riêng, bác sỹ riêng và HLV riêng. Một người thi đấu và ba người "chăm sóc" cho việc thi đấu của người đó. Quan chức hành chính của họ là kiêm nhiệm nhiều chức năng – trưởng đoàn kiêm ngoại giao kiêm tuyên bố báo chí, kiêm hướng dẫn điều phối chung... Còn lại, ngoài VĐV trực tiếp thi đấu ra toàn bộ là các nhân viên phụ tá ở trên.
Trông người lại ngẫm đến ta. Điều kiện như vậy, thi đấu cấp châu lục còn chưa xong nói gì ra đến thế giới.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.