Việc Ánh Viên liên tiếp thi đấu thất vọng và mới nhất là không đạt chuẩn B Olympic ở nội dung sở trường khiến nhiều độc giả VnExpress đặt dấu hỏi về việc đầu tư cho các môn thể thao đòi hỏi sức mạnh về thể chất như bơi lội, điền kinh:
Khi mà kỹ thuật trong thể thao được phổ biến và tiêu chuẩn hóa như bây giờ thì các môn trọng thể chất như bơi hay điền kinh, dù tập luyện nhiều, chiến thuật tốt đến mức nào cũng chẳng bằng một người có thể chất tốt hơn. Gen Đông Nam Á và Nam Á không tốt về mặt thể thao nên khó mà sản sinh ra ai xuất sắc hàng top thế giới trong bơi lội hay điền kinh được. Joseph Schooling của Singapore là trường hợp ngoại lệ vì bản thân vận động viên này có lẫn rất nhiều gen gốc Âu và gốc Hoa (mà cả 2 gen này đều mạnh về thể thao hơn gen Đông Nam Á), lại sinh ra trong một gia đình rất rất mạnh về thể thao (cả bố và ông đều là VĐV chuẩn quốc gia trong các môn thể thao khác nhau).
Những môn thể thao đòi hỏi sức mạnh về thể chất như bơi lội, điền kinh thật sự không phù hợp với người Á Đông. Kể cả Trung Quốc, đạt được HCV thế giới là do có sự chọn lọc và huấn luyện khắc nghiệt từ nhỏ. Nếu thi đấu chỉ vì niềm đam mê như Âu Mỹ thì không bao giờ đạt được kết quả như họ. Thể trạng và cơ địa người Á Đông khác biệt so với người Châu Âu và Châu Phi. Người Á Đông chỉ phù hợp với những môn đòi hỏi sự khéo léo như võ thuật, thể dục dụng cụ, nhảy cầu, bóng bàn, bắn súng... Việt Nam nên đầu tư vào những môn đấy thì hay hơn.
Nhà nghèo đầu tư thì phải có tính toán, nhắm mấy môn phù hợp mà kinh phí ít như bắn súng, cầu lông, các môn võ... Chứ mấy môn cần sức mạnh như bơi lội, điền kinh thì rõ ràng không có cơ hội, biết đến lúc nào mới có huy chương Olympic? Ánh Viên đã làm rất tốt rồi, chỉ là giới hạn thể chất đến đó thôi chứ không phải do HLV.
Thể trạng người Việt Nam mình chỉ phù hợp tranh chấp huy chương Olympic ở các môn như cử tạ, võ đối kháng, bắn súng vì thế nên đầu tư thật mạnh ở 3 môn này. Mấy môn còn lại có đầu tư kiểu gì thì cũng đi thi góp vui là chính vì cố tới 120% khả năng mới đạt được chuẩn thấp nhất của Olympic thì tranh huy chương kiểu gì? Nên bỏ đầu tư và không tham gia các môn này sẽ hợp lý hơn, dồn hết ngân sách cho 3 môn trên thì mỗi kỳ Olympic Việt Nam hoàn toàn có thể kiếm được từ 2 đến 3 vàng như Thái Lan và Singapore.
Ai cũng kêu gọi kiếm HLV khác để nâng cao thành tích. Nhưng nói thật, với các môn thể thao cá nhân này thì phụ thuộc 90% vào tài năng của vận động viên, chứ không phải như bóng đá cần phối hợp đồng đội mới cần HLV giỏi. Phải nhìn vào bản chất thật sự là chúng ta thua kém chứ đừng mang tư tưởng mình cái gì cũng phải hơn người.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.