Có những điều kỳ lạ trong thế giới hiện đại mà dù bạn có cố gắng giải thích thế nào cũng khó mà tường tận, giống như quả chuối dán tường bán được 6 triệu USD hay những bộ phim bị chê "nhảm" nhưng lại thu về nghìn tỷ đồng doanh thu.
"Anh trai say hi" - một hiện tượng âm nhạc hút hàng chục nghìn người hâm mộ trẻ tuổi bỏ tiền mua vé xem. Vậy hiện tượng này là sản phẩm của trào lưu giải trí ồn ào, nhất thời, hay thực sự là cách đáp ứng nhu cầu của giới trẻ hiện đại?
Nếu nhìn từ góc độ kinh tế, câu trả lời có thể khá đơn giản. Giống như triết lý "mèo trắng mèo đen, miễn bắt được chuột thì đều tốt," bất kỳ sản phẩm nào, dù bị chê bai, miễn bán được vé, thu hút khán giả, đều có giá trị riêng.
Hãy tưởng tượng một công ty sản xuất chương trình âm nhạc đầy chiều sâu, được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng bán vé không ai mua. Công ty phá sản, nhân viên thất nghiệp, liệu có ai sẽ cảm thông hay tiếc nuối?
Ngược lại, nếu một sản phẩm giải trí dù không được đánh giá cao về chuyên môn nhưng vẫn thu hút đám đông, bán vé thành công thì đó rõ ràng là một thành tựu, ít nhất về mặt kinh doanh.
Sân khấu chục nghìn người có cần phải biểu diễn nhạc cổ điển hay thính phòng thì mới được coi là "nghệ thuật"? Hay chính sự thỏa mãn của khán giả và thành công thương mại mới là thước đo giá trị thực tế?
Có lẽ câu trả lời nằm ở nhu cầu thực tế của khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Những chương trình như "Anh trai say hi" không đặt mục tiêu hàn lâm hay nghệ thuật cao siêu. Chúng tồn tại để phục vụ giải trí, một nhu cầu rất thực tế và phổ biến trong xã hội hiện đại.
Ở những buổi concert như thế, người ta không chỉ nghe nhạc, mà còn hòa mình vào không khí lễ hội, sự náo nhiệt và cảm giác được kết nối với đám đông. Đó là những khoảnh khắc để tuổi trẻ "sống hết mình," tận hưởng sự tự do, vui vẻ mà không phải lo nghĩ quá nhiều.
Điều này giải thích tại sao những chương trình như "Anh trai say hi" trở nên phổ biến. Bởi chúng không chỉ là âm nhạc, mà còn là nơi để giới trẻ tìm kiếm sự giải thoát tạm thời khỏi áp lực cuộc sống thường nhật.
Vậy tại sao vẫn có nhiều người chê? Cái không thu hút trong mắt người này có thể là nguồn vui trong mắt người khác.
Đặc biệt, khi nhìn từ góc độ giải trí như một ngành công nghiệp, điều quyết định thành công không phải là "tinh hoa nghệ thuật" mà là khả năng tạo ra giá trị kinh tế, làm thỏa mãn khán giả. Và nếu sản phẩm ấy bán được vé, hút được đám đông, dù có bị chê, nó vẫn là một thành công không thể phủ nhận.
Cũng không thể bỏ qua khả năng những chương trình như "Anh trai say hi" là bước đệm để mở ra cơ hội lớn hơn. Biết đâu đấy, trong tương lai, chính những concert này sẽ trở thành công cụ thu hút fan Đông Nam Á, giúp văn hóa giải trí Việt Nam bước ra khu vực và thậm chí là thế giới.
Rốt cuộc, chương trình như "Anh trai say hi" có phải là giải trí ồn ào hay thực sự thỏa mãn nhu cầu giới trẻ, câu trả lời phụ thuộc vào cách mỗi người nhìn nhận. Nhưng có một điều rõ ràng: sự tồn tại và thành công của nó phản ánh thực tế rằng xã hội luôn cần những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thời đại, dù bạn thích hay không.
*Quan điểm của bạn thế nào?
Chia sẻ bài viết về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Mạnh Đức