"Xây dựng khả năng chiến đấu của tiêm kích không phải điều đơn giản. Điều này không chỉ gồm cung cấp máy bay mà còn liên quan tới huấn luyện phi công và tất cả hoạt động hậu cần đi kèm. Anh có thể đóng vai trò quan trọng trong đó", Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói ngày 15/5.
"Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu đào tạo phi công Ukraine", ông Sunak cho biết sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. "Đó là điều chúng tôi thảo luận hôm nay. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các kế hoạch đó trong thời gian tương đối ngắn".
Theo ông Sunak, chương trình đào tạo bay cơ bản sẽ nhằm "huấn luyện công dân Ukraine trở thành những phi công sẵn sàng chiến đấu với kiến thức về các chiến thuật của NATO". Tuy nhiên, ông Sunak chưa công bố loại máy bay mà Anh sẽ dùng để huấn luyện phi công Ukraine.
Cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron nói Pháp "để ngỏ khả năng đào tạo phi công cho Ukraine", đồng thời nhận định một số quốc gia châu Âu sẵn sàng làm điều này. "Tôi nghĩ các cuộc đàm phán với Mỹ đang diễn ra", ông Macron nói. "Hoạt động huấn luyện có thể bắt đầu ngay bây giờ".
Ukraine trong nhiều tháng đề nghị phương Tây cung cấp tiêm kích hiện đại như F-16 để "đẩy lùi các đợt tập kích của Nga". Tuy nhiên, Mỹ và các thành viên NATO tới nay từ chối cung cấp F-16 với lý do chúng quá phức tạp để Ukraine nhanh chóng làm chủ và bảo dưỡng, cũng như lo ngại quyết định sẽ khiến Nga leo thang xung đột.
Trước cuộc gặp giữa ông Sunak với Tổng thống Zelensky, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh khẳng định nước này không có kế hoạch chuyển tiêm kích cho Ukraine. "Phía Ukraine quyết định huấn luyện phi công của họ trên F-16, song không quân Anh không sử dụng tiêm kích đó", người này cho biết.
Một quan chức Pháp hồi tháng 2 cho biết nước này "trên lý thuyết có thể chuyển 13 tiêm kích Mirage 2000-C vừa ngừng hoạt động", song cảnh báo sẽ mất nhiều thời gian huấn luyện phi công Ukraine cách vận hành chúng.
Chuyên gia Justin Bronk tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cảnh báo dù tiêm kích phương Tây có thể mang đến năng lực lớn hơn cho Ukraine, lưới phòng không của Nga sẽ buộc chúng phải bay thấp khi yểm trợ mặt đất và hạn chế hiệu quả tác chiến.
Nga và Ukraine đều không kiểm soát bầu trời, do đó vai trò của không quân ít nổi bật trong cuộc xung đột vốn được định hình chủ yếu bằng pháo binh. Các tổ hợp phòng không S-300 từ thời Liên Xô của Ukraine cùng hệ thống tên lửa do phương Tây viện trợ từng ngăn tiêm kích Nga tiến sâu vào không phận nước này.
Nguyễn Tiến (Theo CNN, AFP)