Theo BBC, vaccine nhằm huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận biết các protein bề mặt ung thư buồng trứng. Mục tiêu là làm giảm kích thước hoặc triệt tiêu khối u.
Forbes nêu mũi tiêm sẽ nhắm vào gen BRCA1 hoặc BRCA2, đây là hai "thủ phạm" làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng ở người. Vaccine cũng có cơ chế hoạt động khác biệt với mũi tiêm ngừa HPV, tuy nhiên chưa được nêu cụ thể.
Nhóm chuyên gia sẽ sử dụng mẫu ung thư buồng trứng do bệnh nhân hiến tặng để tìm kiếm các điểm chung hoặc protein bất thường được hệ thống miễn dịch ghi nhận. Các điểm chung hoặc protein này sau đó được sử dụng để tạo ra vaccine. Nếu thành công, OvarianVax có thể huấn luyện hệ thống miễn dịch tấn công mọi tế bào buồng trứng bất thường, dù chưa có biểu hiện bệnh.
Trước mắt, vaccine được nghiêm cứu trong phòng thí nghiệm, sau đó chuyển sang thử nghiệm trên bệnh nhân. Giai đoạn tiếp theo, mũi tiêm sẽ thử nghiệm ở quy mô rộng hơn, để thử thách khả năng phòng ung thư buồng trứng.
Giáo sư Ahmed Ahmed, Giám đốc Phòng thí nghiệm tế bào ung thư buồng trứng, Đại học Oxford, người đứng đầu dự án OvarianVax, kỳ vọng vaccine hiệu quả, trở thành một phần trong chiến lược phòng ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ, đứng thứ hai sau ung thư cổ tử cung. Theo Quỹ nghiên cứu Ung thư Anh, bệnh chủ yếu ảnh hưởng phụ nữ trên 50 tuổi. Biểu hiện ung thư buồng trứng không rõ ràng đồng thời không có xét nghiệm sàng lọc, vì vậy thường được chẩn đoán muộn. Mỗi năm, Anh ghi nhận khoảng 7.500 ca ung thư buồng trứng mới.
Phụ nữ không mang gen bệnh, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng khoảng 2%. Những người mang đột biến gen BRCA, nguy cơ mắc tới 45% và được khuyến cáo cắt bỏ buồng trứng khi khoảng 30 tuổi, dẫn đến mãn kinh sớm.
Chi Lê
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.