Bức tượng nhà buôn nô lệ Robert Milligan bên ngoài bảo tàng London Docklands ở trung tâm thủ đô London của Anh bị kéo xuống hôm 9/6, sau khi các quan chức thành phố quyết định bức tượng không được công chúng chấp nhận.
Động thái diễn ra khi phong trào biểu tình đòi bình đẳng cho người da màu nổ ra ở London và nhiều thành phố Anh, sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết ở Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, hồi tháng trước.
Thị trưởng London Sadiq Khan cho hay ông đang thành lập một ủy ban nhằm rà soát lại các di tích tại thủ đô Anh và nhiều bức tượng liên quan chủ nghĩa đế quốc có thể bị gỡ khỏi các địa điểm trong thành phố.
"Thật không dễ chịu gì khi phải thừa nhận chế độ buôn bán nô lệ đóng góp một phần lớn của cải vào sự thịnh vượng của quốc gia, thành phố chúng ta. Song sự đóng góp của những cộng đồng khác vào cuộc sống ở thủ đô chúng ta lại bị cố tình bỏ qua", ông Khan nói.
Động thái diễn ra vài ngày sau khi những người biểu tình ở thành phố cảng Bristol, Anh, lật đổ bức tượng nhà buôn nô lệ thế kỷ 17 Edward Colston ở trung tâm thành phố, ném xuống sông.
Tại nhiều nơi khác của nước Anh, người biểu tình cũng yêu cầu dỡ bỏ các bức tượng của các doanh nhân, chính trị gia liên quan chủ nghĩa đế quốc, trong đó có Cecil Rhodes, tại Đại học Oxford. Tại Edinburgh, Scotland, người biểu tình cũng kêu gọi dỡ tượng Henry Dundas, một chính trị gia thế kỷ 18 đã trì hoãn việc bãi bỏ chế độ nô lệ ở Anh trong 15 năm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận một "thực tế nghiệt ngã" là người da màu ở Anh đã phải trải qua tình trạng phân biệt đối xử, nhưng ông cũng cảnh báo những người tấn công cảnh sát hay mạo phạm các di tích công cộng sẽ phải đối mặt với pháp luật.
Floyd tử vong hôm 25/5 sau khi bị cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì gối lên gáy gần 9 phút tại thành phố Minneapolis, với cáo buộc tiêu tiền giả. Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ hai, tức cố ý giết người nhưng không có suy tính hay kế hoạch từ trước, và ngộ sát, đối mặt 40 năm tù. Ba đồng nghiệp của Chauvin bị truy tố tội hỗ trợ và tiếp tay cho giết người cấp độ hai.
Đám tang Floyd được tổ chức hôm 9/6, với sự tham dự của hàng trăm người tại nhà thờ Fountain of Praise, thành phố Houston, bang Texas, quê hương của anh, và được phát sóng trực tiếp trên truyền hình.
Các cuộc biểu tình chống bất công chủng tộc và bạo lực cảnh sát sau cái chết của Floyd chưa "hạ nhiệt", đã lan rộng từ Minneapolis ra nhiều thành phố của Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Tại Anh, hơn 200 cuộc biểu tình đã được tổ chức, nhiều người hôm 9/6 tập trung tại Quảng trường Quốc hội London để cầu nguyện trùng với giờ tang lễ của Floyd.
Mai Lâm (Theo Aljazeera)