Sự việc xảy ra khi khoảng 10.000 người biểu tình tập trung tại thành phố Bristol, Anh, hôm 7/6, để phản đối cái chết của người da màu Mỹ George Floyd ở Minneapolis, bang Minnesota, hôm 25/5. Floyd bị cảnh sát ghì chết khi bị bắt vì liên quan tới cáo buộc tiêu tiền giả, dù đã nhiều lần cầu xin "Tôi không thể thở".
Một nhóm người biểu tình đã diễu hành đến nơi đặt bức tượng nhà buôn nô lệ người Anh ở thế kỷ 17 Edward Colston ở thành phố. Họ lấy dây thừng kéo đổ bức tượng đồng và kéo ra khỏi bệ đá, giữa tiếng cổ vũ, reo hò của nhiều người xung quanh. Những người biểu tình sau đó mang bức tượng đến bến cảng gần đó và ném nó xuống nước.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel lên án hành động của nhóm biểu tình là "phá hoại". Một nhân chứng chụp bức ảnh cho thấy một người biểu tình dùng đầu gối đặt lên cổ bức tượng đồng, mô phỏng hành động cảnh sát Mỹ đã thực hiện với Floyd hồi tháng trước.
Trước khi sự việc xảy ra, bức tượng nhà buôn nô lệ Colston từng gây tranh cãi ở Bristol, với một thỉnh nguyện thư thu thập được 11.000 chữ ký đòi dỡ bỏ tượng này.
Colston là một nhà buôn tại Công ty Hoàng gia châu Phi, công ty tham gia buôn bán nô lệ vào thế kỷ 17. Công ty ước tính đã vận chuyển 84.000 người châu Phi làm nô lệ, bao gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em, trong thời gian Colston làm việc tại đây. Tuy nhiên, Colston cũng là một trong những người tích cực làm từ thiện tại Bristol và bức tượng đồng của ông được dựng tại thành phố từ năm 1895.
John McAllister, một người biểu tình 71 tuổi, xé những chiếc túi màu đen dùng để bọc bức tượng trước mặt những người biểu tình và tuyên bố: "Bức tượng được dựng lên bởi công dân Bristol, như một đài tưởng niệm một trong những người con tài đức và giỏi giang nhất thành phố này". McAllister thêm rằng "đó là một nhà buôn nô lệ. Ông ấy rất hào phóng với Bristol nhưng là việc làm trên lưng của nô lệ và tuyệt đối đáng khinh. Đó là một sự xúc phạm đối với người dân Bristol".
Biểu tình "Tôi không thể thở" khởi phát ở Minneapolis, Mỹ, sau cái chết của Floyd, đã lan rộng ra nhiều thành phố của Mỹ, nhằm đòi công lý cho Floyd và bình đẳng cho người da màu. Phong trào biểu tình sau đó lan sang nhiều quốc gia, được nâng lên thành đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, khi ký ức về những cái chết thương tâm và bất công của người da màu được khơi dậy. Tại thủ đô London, Anh, hàng chục nghìn người tham gia biểu tình, nhưng chủ yếu là ôn hoà.
Mai Lâm (Theo Telegraph)