Các chuyên gia của Ủy ban Hỗn hợp Tiêm chủng và Vaccine (JCVI) sẽ xem xét mức độ miễn dịch sau ba mũi tiêm dựa trên số ca nhập viện vì biến chủng Omicron trước khi đưa ra quyết định chính thức. Trước đó, Anh đã tiêm liều 4 bổ sung cho người bị suy yếu miễn dịch. Chương trình có thể mở rộng cho người cao tuổi và các nhóm dễ nhiễm nCoV khác.
Các liều tăng cường được tiêm sau liều đầu tiên ít nhất 4 tháng. Nếu có sự đồng ý của JCVI, người dân Anh sẽ được tiêm liều thứ tư sớm nhất vào dịp năm mới.
Cả Israel và Đức ngày 22/12 đều quyết định tiêm vaccine liều 4 nhằm chống biến chủng Omicron. Israel chia sẻ dữ liệu với Anh sau khi đề xuất tiêm liều vaccine Pfizer thứ tư cho người trên 60 tuổi, nhân viên y tế và người bị suy giảm miễn dịch. Với Thủ tướng Naftali Bennett, đây được coi là "tin tuyệt vời", có thể giúp Israel vượt qua làn sóng Omicron.
Tuy nhiên, Anh trì hoãn quyết định đến khi các bộ trưởng và giới khoa học có cái nhìn đầy đủ hơn về tình hình hiện tại cũng tính cấp thiết của chiến lược này.
Giáo sư Anthony Harnden, phó chủ tịch JCVI, cho biết: "Chúng tôi cần xem xét thêm dữ liệu. Chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh khác với Israel, cần đánh giá khả năng suy giảm miễn dịch và hiệu quả của vaccine chống ca nhập viện".
Một chuyên gia cấp cao của Israel chỉ ra rằng các nước sớm muộn sẽ phải tiêm liều vaccine thứ tư để bảo vệ những người dễ tổn thương nhất. Song nhiều nhà khoa học chỉ ra Anh vẫn đang triển khai tiêm liều thứ ba để đối phó với sóng Omicron. Họ tin rằng quyết định tăng khoảng cách giữa hai liều đầu tiên lên 12 tuần giúp nước này có khả năng miễn dịch lâu dài hơn so với các quốc gia khác.
Trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan mạnh, JCVI khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho người từ 16 đến 17 tuổi, trẻ em từ 12 đến 15 tuổi có bệnh lý nền, bị suy giảm miễn dịch. Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe (MHRA) ngày 22/12 cũng phê duyệt vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên.
Thục Linh (Theo Telegraph)