Sau khi biến chủng Omicron xuất hiện, nhiều nước đẩy mạnh triển khai tiêm tăng cường vaccine Covid-19. Ngày 22/12, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết nước này sắp tiêm liều vaccine thứ tư. Đây cũng là đề nghị của Albert Bourla, Giám đốc điều hành hãng dược Pfizer. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu thế giới có cần tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 hàng năm như cúm mùa. Điều này phụ thuộc vào thời gian duy trì miễn dịch sau tiêm.
Cộng đồng được khuyến nghị tiêm phòng uốn ván 10 năm một lần. Vaccine sởi tiêm nhắc lại từ hai đến 6 tháng sau mũi đầu tiên. Phác đồ tiêm phòng viêm gan A và B gồm hai liều cách nhau 6-12 tháng. Hiện giới chuyên gia chưa hiểu rõ độ bền của vaccine ngừa Covid-19. Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy miễn dịch từ hai liều vaccine suy yếu sau khoảng 6 tháng.
Tất cả các loại vaccine đều kích hoạt phản ứng miễn dịch, nhưng phản ứng này kéo dài bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm:
Yếu tố đầu tiên là khả năng đột biến của virus. Theo bà Hai Tran, Phó giám đốc Bệnh viện Cedars-Sinai, Los Angeles, Mỹ, nếu virus nhân lên nhanh chóng, nó sẽ tạo ra nhiều đột biến hơn, từ đó hình thành biến chủng. "Càng nhiều biến chủng xuất hiện, càng khó phát triển loại vaccine bảo vệ lâu dài, bởi mục tiêu (virus) liên tục thay đổi", bà giải thích.
Ethan Smith, dược sĩ tại Cedars-Sinai, đồng tình với quan điểm này. "Nếu virus ổn định, chúng ta có lợi thế lớn", ông nói. Smith chỉ ra rằng sởi là loại virus không có khả năng tái tạo. Vì vậy, miễn dịch từ vaccine hoặc nhiễm bệnh trong quá khứ có thể tồn tại lâu dài.
"Virus đậu mùa và bại liệt, gần như bị loại trừ thông qua tiêm chủng, cũng ổn định với tỷ lệ đột biến thấp", ông nói.
Các loại virus nhân lên nhanh và đột biến nhiều như cúm đặt ra thách thức cho nhà sản xuất vaccine. Tiến sĩ Hai Tran nói: "Mỗi năm lại có nhiều đợt cúm mới. Đây là lý do tại sao bạn nên tiêm phòng hàng năm. Vaccine cúm mùa bảo vệ người dùng khỏi 4 chủng cúm khác nhau. Nhưng năm sau có thể xuất hiện những biến chủng mới".
Yếu tố thứ hai là hoạt động của tế bào B và tế bào T sau khi tiêm chủng. Thực tế, việc đo lường độ mạnh khả năng miễn dịch của một người rất khó khăn. Tiến sĩ Smith nhận định: "Đo nồng độ kháng thể không cung cấp bức tranh đầy đủ về hiệu quả vaccine, bởi vaccine cũng có nhiệm vụ đào tạo tế bào B và tế bào T chiến đấu mầm bệnh".
Đối mặt với kẻ thù, các tế bào B nhanh chóng ghi nhớ virus, huy động kháng thể mới ngăn chặn virus nhân lên. Trong khi đó, tế bào T "sát thủ" tiêu diệt tế bào nhiễm bệnh, dọn dẹp lại những nơi kháng thể xử lý không hiệu quả.
Đối với nhiều mầm bệnh, kháng thể là yếu tố then chốt. Song ở những loại virus khác như lao, sốt rét và HIV, tế bào B và T quan trọng hơn. Dù không được nhắc đến nhiều như kháng thể, hai tế bào này đóng vai trò lớn trong việc duy trì khả năng miễn dịch sau tiêm.
Yếu tố thứ ba là số liều vaccine và thời gian giữa các liều. Hầu hết các loại vaccine Covid-19 đều yêu cầu tiêm hai liều, giống với những vaccine dành cho trẻ em.
"Khi phát triển một loại vaccine mới, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu sơ bộ để đưa ra số liều phù hợp", ông Ethan cho biết.
Họ đo lường số kháng thể tạo ra từ một mũi tiêm, độ miễn dịch của tình nguyện viên sau liều thứ hai. Nếu cho rằng liều đầu là đủ bảo vệ người dùng khỏi mầm bệnh, liều thứ hai không cải thiện khả năng miễn dịch, họ sẽ phát triển loại vaccine một liều.
Giữa đại dịch, thời gian là yếu tố then chốt. Các loại vacicne được đưa ra thị trường ngay khi chúng an toàn và hiệu quả. Song các chuyên gia sẽ theo dõi chương trình tiêm chủng lâu hơn nhằm xác định có cần tiêm tăng cường hay không.
Johnson & Johnson phát triển vaccine dạng một liều, tạo phản ứng mạnh mẽ trong thử nghiệm lâm sàng. Hãng lưu ý khả năng miễn dịch đạt đỉnh và duy trì 28 ngày. Song sau 6 tháng, miễn dịch từ vaccine suy yếu. Giới chức các nước khuyến nghị nên tiêm liều tăng cường.
Ethan cho biết: "Công nghệ mRNA (có trong vaccine Pfizer và Moderna) linh hoạt hơn so với công nghệ cũ. Các nhà khoa học đang thảo luận về cách sử dụng nền tảng này và nhanh chóng thích ứng với đột biến, khiến hệ miễn dịch của cộng đồng luôn trong trạng thái sẵn sàng chống biến chủng suốt đời".
Tiến sĩ Hai Tran giải thích, khi thiết lập các thử nghiệm lâm sàng, nhà nghiên cứu đưa ra lịch trình tiêm chủng dựa trên dữ liệu sơ bộ từ những loại vaccine khác.
"Đôi khi, phản ứng miễn dịch không phát triển đủ lượng kháng thể, hoặc miễn dịch suy giảm rất nhanh nên phải dùng liều thứ hai, thứ ba", bà nói.
Nhìn chung, giới khoa học vẫn chưa đưa ra được câu trả lời chính xác có phải tiêm phòng Covid-19 suốt đời như tiêm ngừa cúm hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu còn nhiều khu vực trên thế giới chưa được tiêm vaccine đầy đủ thì số ca nhiễm còn tăng, và đó là điều kiện để các biến chủng mới xuất hiện, khiến con người phải tiêm nhắc lại.
Thục Linh (Theo Cedar Sinai, Today)