Tỏi là gia vị quen thuộc trong bữa ăn của người Việt, được ví như chất kháng sinh tự nhiên bởi chứa nhiều allicin, phytocin và các vitamin, khoáng chất như selen, kẽm. Do vậy, ăn tỏi cũng giúp tăng cường sức đề kháng phòng bệnh nói chung, trong đó có cúm.
Tuy nhiên, việc ăn tỏi không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh cúm. Tiêm vaccine cúm mùa là cách phòng bệnh an toàn, hiệu quả nhất hiện nay, được WHO, CDC Mỹ, Bộ Y tế khuyến cáo.
Cơ chế nhiễm cúm mùa là do virus cúm gây ra, dễ lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Người lành cũng có thể mắc cúm khi chạm tay vào các vật dụng chứa virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Tỏi không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh cúm. Ảnh: Vecteezy
Khi mắc cúm, người bệnh sẽ có triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, ho khan, đau họng, nghẹt mũi. Thông thường, bệnh khỏi sau 2-7 ngày, nhưng ho có thể kéo dài. Cúm có thể xâm lấn các cơ quan khác gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, suy hô hấp, suy đa cơ quan... Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, suy giảm hệ miễn dịch mắc cúm dễ kéo dài, tăng nguy cơ trở nặng...
Theo WHO, tiêm vaccine cúm mùa và nhắc lại đều đặn hằng năm có thể giảm ca nhiễm và nhập viện đến 90%, giảm tử vong do cúm 70-80%, đặc biệt người có miễn dịch kém, mắc các bệnh lý mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, đái tháo đường, tim mạch, béo phì...
Hiện Việt Nam có đầy đủ các loại vaccine phòng các chủng virus cúm phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria. Trong đó, vaccine của Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam tiêm cho người từ 18 đến 60 tuổi. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm cúm có lịch tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Người từ 9 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 mũi. Vaccine cúm cần nhắc lại một mũi hằng năm để cập nhật với chủng cúm lưu hành theo khuyến cáo của WHO.
Phụ nữ trong độ tuổi mang thai cũng nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ để truyền kháng thể bảo vệ trong 6 tháng đầu đời. Vaccine có thể tiêm trong bất kỳ giai đoạn nào thai kỳ, lịch tiêm tốt nhất từ ba tháng giữa thai kỳ và 3 tháng cuối thai kỳ.
Ngoài vaccine, mọi người còn cần phòng bệnh cúm bằng cách đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc họng, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Nên ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ nghỉ hợp lý để tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể trạng bằng thường xuyên vận động. Khi có các triệu chứng, sốt cao, đau đầu, nhức mỏi người... cần đi khám sớm, không nên tự dùng kháng sinh, điều trị theo mẹo dân gian khiến bệnh nặng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Như Điền
Quản lý Y khoa miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.