Trả lời:
Bệnh dại nằm trong nhóm có tỷ lệ tử vong cao nhất trong lịch sử nhân loại. Khi đã lên cơn dại, động vật hay con người đều sẽ tử vong nhanh chóng. Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do dại ở mức cao, việc quản lý vật nuôi còn lỏng lẻo, do đó chủ động dự phòng bệnh rất quan trọng.
Virus gây bệnh có trong nước bọt của động vật bị lây nhiễm, lây cho người hoặc động vật khác qua vết cắn, cào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh dại có thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, da và niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi. Cũng có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh dại do được ghép giác mạc và nội tạng của người bị bệnh dại.
Mặt khác, rất hiếm gặp trường hợp người lành mắc bệnh dại qua đồ vật trung gian bị dính nước bọt chó dại, người bị dại; hay qua đường hô hấp do hít phải không khí có virus dại.
Do đó, nếu bạn bị chó liếm vào mặt, vô tình bị nước bọt của con vật bắn vào mắt, nguy cơ bệnh dại tương đối thấp. Song bạn vẫn cần đến trạm y tế hoặc trung tâm tiêm chủng để được khám, tư vấn và tiêm vaccine dại kịp thời. Lịch tiêm ngừa đầy đủ gồm 5 mũi trong 28 ngày, bao gồm các ngày 0-3-7-14-28.
Hiện bệnh không có thuốc đặc trị, vaccine sẽ không còn tác dụng với người đã phát bệnh. Ngoài ra, động vật đã chủng ngừa dại vẫn còn khả năng lây nhiễm bệnh, do virus có thể tồn tại ở lông, móng, lây nhiễm từ con vật khác trong quá trình chơi đùa. Mọi người cần chủ động phòng bệnh dù nguy cơ lây nhiễm, mắc bệnh thấp.
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC