Sáng 25/10, ông Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 72 người bị TAND tỉnh Đồng Nai xét xử về tội Buôn lậu, Nhận hối lộ theo Điều 188 và 354 Bộ luật Hình sự. Trong đó, ông Ngô Văn Thụy bị cáo buộc khi làm cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, đã nhận hơn 800 triệu đồng từ Hữu và đồng phạm để làm ngơ cho đường dây tội phạm này.
Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng yêu cầu sớm đưa ra xét xử.
7h, hơn 40 bị cáo bị tạm giam trong đường dây lần lượt được đưa đến Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai - nơi diễn ra phiên xét xử. Cả trăm cảnh sát gồm nhiều lực lượng được huy động để đảm bảo an ninh từ ngoài cổng cho đến bên trong phòng xử.
Những người tham dự phiên toà đều phải đi qua cửa soi chiếu an ninh, trước khi vào phòng xử. Phóng viên báo đài chỉ được tác nghiệp tại khu riêng - Thư viện, cách phòng xử khoảng 200 m, theo dõi qua màn hình.
Tòa triệu tập 53 cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan; 43 người làm chứng. Gần 100 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi ích cho người liên quan.
Phiên xử dự kiến kéo dài 45-60 ngày. Chủ tọa là thẩm phán Nguyễn Văn Thành, đại diện VKS giữ quyền công tố là 4 kiểm sát viên chính thức. Ngoài ra, còn có nhiều thẩm phán, kiểm sát viên dự khuyết.
9h30, sau hơn một giờ công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử và điểm danh những người tham gia tố tụng, chủ tọa cho biết một số luật sư có đơn xin vắng trong một vài thời điểm; nhiều nhân chứng và người liên quan vắng mặt không lý do; một bị cáo được tại ngoại có đơn xin xét xử vắng mặt.
Còn luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Ngô Văn Thụy, đề nghị HĐXX cho tiếp xúc với thân chủ trong thời gian nghỉ giải lao để trao đổi, tư vấn nhằm đảm bảo quyền lợi cho ông này. Trong số các luật sư tham gia phiên toà có một người đề nghị hoãn phiên xử do vắng mặt một số người liên quan và nhân chứng.
Nêu ý kiến, đại diện VKS cho rằng một số luật sư, nhân chứng... vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử vì phiên tòa kéo dài trong nhiều ngày và hồ sơ vụ án đã có lời khai của họ.
Sau 10 phút hội ý, tòa chấp nhận quan điểm của VKS, tiếp tục phiên xử với phần kiểm tra nhân thân các bị cáo. Thủ tục này dự kiến kéo dài hết ngày đầu xét xử.
Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn và Nguyễn Hữu Tứ là các đại gia ngành xăng dầu có tiếng tăm từ nhiều năm nay trước.
Theo cáo trạng, năm 2019, ông Hữu lấy 4 tàu thủy Nhật Minh 06-09 làm vốn góp với giám đốc một công ty để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam. Tiếp đó, ông Hữu rủ Đào Ngọc Viễn tham gia vì biết người này đang điều hành công ty chuyên mua bán, vận chuyển xăng dầu và có mối quan hệ thân thiết với những cá nhân ở các cơ quan chức năng. Tổng cộng, Hữu, Viễn cùng 3 người khác góp 53,4 tỷ đồng để buôn xăng, lợi nhuận chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại 60%.
Hữu liên hệ với chủ hàng bên Singapore (do Viễn cung cấp) thỏa thuận giá và cách thức nhận hàng. Sau đó, Viễn điều 2 tàu biển chuyên dụng Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn) đậu tại vùng biển tự do đợi "lệnh". Khi có thông báo, các tàu này sẽ vào cảng Vopak của Singapore liên lạc với đại lý để nhận hàng. Về tới vùng biển Việt Nam, Hữu chỉ đạo nhân viên đưa tàu Nhật Minh 07, 08, 09 ra nhận xăng chở đến khu vực sông Hậu thuộc thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Do xăng nhập lậu màu trắng nên nhóm Hữu mua bột màu và dung môi cho nhân viên đưa lên tàu pha chế thành màu vàng nhạt (giống xăng trong nước). Tiếp đó, xăng được sang qua các tàu Huỳnh Ngân, Huỳnh Ngân 2, Sơn Tiền, Tây Nam của Tứ, chở về kho chứa tại cảng Nam Phong (Long An).
Tứ vận chuyển xăng đi Kiên Giang, Vĩnh Long, An Giang... bán cho các đầu mối hoặc bán tại kho cho các công ty xăng dầu. Nhiều chân rết của Tứ cũng môi giới bán xăng cho hàng loạt doanh nghiệp các tỉnh khu vực phía Nam của Đỗ Văn Ba, Phạm Văn Cúc (TP HCM), Nguyễn Thị Như Mỹ (TP Biên Hòa, Đồng Nai), Bùi Ngọc Toàn, Lê Thị Anh Thư, Nguyễn Thăng Long (Đồng Nai).
Để đối phó với các cơ quan chức năng, Hữu ký hợp đồng vận chuyển khống xăng với Công ty TNHH Hải Minh Nhật (do Hữu lập, thuê Đinh Văn Đoàn làm giám đốc) giao cho thuyền trưởng các tàu Nhật Minh để xuất trình khi bị kiểm tra.
Theo VKS, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm Hữu và Viễn đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá hơn 2.596 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 197 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 156 tỷ.
Ngoài việc hợp tác với Hữu, cuối năm 2020, Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua 2 tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Cường có nhiệm vụ liên hệ với đầu mối tại Singarpore, còn Đức lo tiêu thụ xăng.
Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ.
Khi biết đường dây của Phan Thanh Hữu bị triệt phá ở Vĩnh Long, Viễn tiếp tục điều tàu Khánh Hòa 03 bơm xăng bán cho các đầu nậu ở cảng Bắc Vân Phong. Đến tháng 4/2021, Viễn biết chuyên án đang mở rộng điều tra nên chỉ đạo bơm 1,2 triệu lít xăng còn lại sang tàu Pacific Ocean trả cho chủ hàng ở Singapore.
Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 93 tỷ đồng.
Theo cơ quan công tố, tổng cộng đường dây của Hữu, Viễn và đồng phạm đã buôn lậu hơn 203 triệu lít xăng, trị giá 2.690 tỷ đồng (nhiều hơn so với kết luận điều tra của công an).
Quá trình điều tra, ông Hữu khai chỉ nhập lậu hơn 130 triệu lít xăng, số bán thực tế là hơn 127,7 triệu lít còn hơn 2,5 triệu lít chưa tiêu thụ thì bị thu giữ. Trùm đường dây xăng lậu cũng cho rằng chỉ thu lợi hơn 102 tỷ đồng, chứ không phải 156 tỷ như cáo buộc. Số xăng lậu còn lại là hơn 67,4 triệu lít, theo Hữu là bị hai người môi giới của đường dây là A Hùng và A Quý (không rõ lai lịch) vận chuyển sang Campuchia tiêu thụ.
Tuy nhiên, VKS cho rằng, căn cứ vào các dữ liệu trích xuất từ điện thoại, sao kê tài khoản ngân hàng... có đủ cơ sở xác định Hữu đã buôn lậu lượng xăng và thu lợi số tiền như cáo buộc.
Liên quan đến việc bảo kê đường dây buôn lậu xăng dầu "khủng" này, ngày 15/7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4) 15 năm tù; Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3) 12 năm về tội Nhận hối lộ.
Cựu đại tá Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thế Anh, 49 tuổi, bị phạt tù chung thân về tội Nhận hối lộ và Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. 11 bị cáo khác bị phạt từ 6 tháng 21 ngày đến 16 năm với ba nhóm tội danh Buôn lậu, Nhận hối lộ và Không tố giác tội phạm.
Hải Duyên – Phước Tuấn