"Chúng ta không để mất bất cứ phần lãnh thổ nào. Chúng ta đang ở vị trí của mình trước khi mọi thứ bắt đầu", đại tướng Manoj Mukund Naravane, tư lệnh lục quân Ấn Độ, nói trong cuộc phỏng vấn ngày 30/3. "Ấn Độ không mất một tấc đất nào, đúng vậy", ông nói thêm.
Tuyên bố được tướng Naravane đưa ra sau khi Ấn Độ và Trung Quốc trải qua cuộc đụng độ biên giới đẫm máu vào tháng 6/2020, sau đó là căng thẳng kéo dài giữa hai bên tại khu vực tranh chấp.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc hôm 10/2 đạt được thỏa thuận rút lực lượng đóng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa phân định giữa hai nước, giúp hạ nhiệt tình hình sau nhiều tháng đối đầu căng thẳng. Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng và chưa rút hết lực lượng khỏi các điểm nóng như Depsang, Suối nước nóng Kyam và Gogra.
"Thỏa thuận này đạt được trên nguyên tắc cùng đảm bảo an ninh và bình đẳng, chúng ta nên nhìn nhận rằng toàn bộ quá trình rút quân có lợi cho cả hai nước, khi nó duy trì LAC ổn định, giảm nguy cơ xảy ra thêm bất cứ cuộc đối đầu nào", tướng Naravane nói.
Tư lệnh lục quân Ấn Độ cho biết hai bên đã rút bớt lực lượng từ khu vực bờ bắc và nam hồ Pangong Tso cùng dãy Kailash về đóng quân tại căn cứ gần nhất. "Điều này giảm nguy cơ tính toán sai lầm khi cả hai bên triển khai lực lượng. Khu vực dọc LAC đang tương đối hòa bình và yên tĩnh", tướng Naravane nói.
Tranh chấp biên giới Ấn - Trung diễn ra trong nhiều thập kỷ, trong đó lần đụng độ đẫm máu nhất là cuộc chiến năm 1962. Những vụ đụng độ lẻ tẻ sau đó nổ ra dọc LAC, biên giới chưa phân định giữa Ấn Độ và Trung Quốc chạy qua dãy Himlaya.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng 4/2020 nổ ra đụng độ ở khu vực Pangong Tso sau bất đồng về hoạt động tuần tra tại đây, dẫn đến căng thẳng kéo dài trong nhiều tháng. New Delhi cáo buộc Bắc Kinh xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố tại phần lãnh thổ của Ấn Độ quanh LAC. Trung Quốc đưa ra cáo buộc tương tự đối với Ấn Độ.
Đụng độ quanh LAC lên đến đỉnh điểm với vụ ẩu đả chết người hồi giữa tháng 6/2020, khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Ấn Độ và Trung Quốc sau đó điều lượng lớn binh sĩ và khí tài lên tăng viện cho khu vực biên giới.
Nguyễn Tiến (Theo Hindustan Times)