Hai quan chức Ấn Độ ngày 1/3 cho biết nước này và Trung Quốc đang thiết lập các khu phi quân sự (DMZ) dọc theo biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya. Theo thỏa thuận, binh sĩ hai nước không tuần tra trên dải đất dài khoảng 9 km dọc bờ bắc hồ tranh chấp Pangong Tso, nơi lính Ấn - Trung từng đụng độ vào năm ngoái. Lính Ấn Độ cũng sẽ rút khỏi cao điểm chiến lược mà họ kiểm soát từ tháng 8/2020.
Động thái trên diễn ra sau khi một DMZ tương tự được thành lập dọc sông Galwan, nơi xảy ra vụ ẩu đả khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hồi tháng 6/2020. Vụ ẩu đả được đánh giá là lần đụng độ đẫm máu nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ.
Bất chấp việc hai nước xuống thang và rút bớt lực lượng, một số quan chức an ninh Ấn Độ nhận định việc thành lập các DMZ dọc biên giới "có lợi cho Trung Quốc". Các quan chức này cho rằng Trung Quốc gây hoài nghi khi phản đối đề xuất do Ấn Độ nêu ra, để binh sĩ hai nước tuần tra luân phiên theo ngày tại Pangong Tso, với lý do điều này "ảnh hưởng đến chủ quyền".
Các quan chức quốc phòng và an ninh Ấn Độ nêu quan ngại về khu vực xung quanh hồ Pangong Tso với chính phủ, song nước này sau đó chọn phương án nhanh chóng rút lực lượng. Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ngày 10/2 bắt đầu rút quân, tăng thiết giáp cùng pháo sau 10 tháng đồn trú quanh Pangong Tso.
Văn phòng Thủ tướng, Bộ Quốc phòng và lục quân Ấn Độ chưa bình luận về thông tin này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 26/2 cho biết tình hình thực địa "đã lắng dịu đáng kể" sau khi hai bên rút bớt lực lượng.
Sushant Singh, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi, nhận định tình trạng mất niềm tin giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc có thể gây thêm hiểm lầm. "Mô hình khu phi quân sự mang tính tạm thời và đầy thách thức. Ấn Độ chỉ có lựa chọn hạn chế trong trường hợp Trung Quốc, một cường quốc quân sự lớn hơn nhiều, vi phạm thỏa thuận".
Chuyên gia này nhận định nếu các DMZ dọc biên giới Ấn - Trung duy trì được hòa bình, chúng có thể trở thành hình mẫu cho hai nước giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ cho biết dù DMZ nhằm mục đích ngăn những vụ ẩu đả đẫm máu như hồi giữa năm 2020, tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết.
Vào thập niên 1950, Trung Quốc và Ấn Độ từng thử chọn thảo nguyên rộng 80 km2 dọc đường phân giới giữa bang Uttarakhand của Ấn Độ và khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, làm DMZ. Tuy nhiên, nỗ lực lập khu DMZ để đảm bảo hòa bình này không thành công và đụng độ tiếp tục diễn ra trong khu vực.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)