Một tháng qua, mạng xã hội Ấn Độ vắng bóng các bức ảnh hài hước về cuộc sống, xã hội, chính trị như thường lệ. Thay vào đó, những lời kêu cứu hoảng loạn và tuyệt vọng tràn ngập Twitter, Instagram và Facebook khi làn sóng Covid-19 thứ hai lên đỉnh điểm, số ca nhiễm và tử vong tăng cao.
Trên trang Instagram, Bharath Pottekkat, sinh viên luật 20 tuổi, đăng dòng trạng thái: "Mumbai, xin hãy giúp đỡ. Phổi bị tổn thương do nhiễm trùng. Cần giường hồi sức tích cực (ICU)". Người khác viết: "Cần huyết tương điều trị Covid-19 khẩn cấp ở Bệnh viện Max, Delhi". Một bài đăng khẩn khoản: "Đang cần tiêm Tocilizumab. Vui lòng gửi tin nhắn trực tiếp nếu bạn biết ở đâu còn nguồn hàng, xung quanh Mumbai".
Những lời kêu cứu tràn ngập các trang cá nhân. Pottekkat cho biết: "Bộ não của tôi không thể chịu nổi tình trạng quá tải của mạng xã hội. Tôi không xử lý được những gì đang đọc. Tôi cảm thấy tê liệt".
Twitter, Facebook, Instagram, WhatsApp và Telegram của anh ngập tràn tin nhắn từ người thân, bạn bè. Họ khẩn khoản, quẫn bách tìm kiếm mọi thứ từ giường bệnh, thuốc men, điểm chụp CT, kit xét nghiệm Covid-19, thậm chí thức ăn cho người nhà trong diện cách ly.
Những lời cầu xin đầy tuyệt vọng. Người dân mong đợi ai đó đáp lại bằng biện pháp dập dịch nhanh chóng, đưa ra kế hoạch xử lý thảm kịch y tế đang diễn ra tại đất nước 1,3 tỷ dân. Các bài đăng, tin nhắn tiết lộ sự hoảng loạn trong bối cảnh thiếu thuốc, giường bệnh và oxy y tế.
Ấn Độ hôm 22/4 ghi nhận kỷ lục 2.104 trường hợp tử vong và hơn 314.000 ca mắc mới - mức tăng theo ngày cao nhất thế giới. Tổng số ca dương tính của nước này hiện gần 16 triệu người. Dù là cái nôi sản xuất vaccine của thế giới, Ấn Độ gặp nhiều khó khăn trong chương trình tiêm chủng. Trước đó, các lễ hội lớn và cuộc bầu cử khiến người dân tụ tập đông đúc, mất cảnh giác, không đeo khẩu trang. Điều này khiến Covid-19 một lần nữa trỗi dậy.
Tình hình căng thẳng buộc hai thành phố lớn là Mumbai và New Delhi áp lệnh hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội nghiêm ngặt bắt đầu từ ngày 20/4. Trong khi đó, người dân vẫn liên tục kêu cứu.
Pottekkat bàng hoàng khi nhìn thấy một bài đăng trên Instagram. Người phụ nữ chăm mẹ ốm tại bệnh viện ở Lucknow mô tả cảnh tượng "như ngày tận thế". Mọi người xô xát, tranh cãi nhau để chạm tay vào chiếc bình oxy mới được chuyển đến. Chuỗi bệnh viện khác ở New Delhi đã phải nhờ tòa án can thiệp để đảm bảo an toàn cho lượng oxy y tế.
Barkha Dutt, phóng viên Washington Post, chia sẻ hình ảnh tan hoang tại một nhà hỏa thiêu ở Surat, bang Gujarat, vì phải làm việc 24/7. "Đúng vậy, nó đau đớn, rùng rợn và đáng lo ngại. Nhưng nó làm rõ quy mô của thảm kịch kinh hoàng này", bà viết trên Twitter.
Tình cảnh trên trang cá nhân của tỷ phú Ranjan Pai, đồng sáng lập Manipal Education & Medical Group, công ty điều hành chuỗi bệnh viện lớn thứ hai của đất nước, đáng lo hơn cả. Hàng trăm người, hầu hết là người lạ, tràn vào Twitter của ông để xin giường bệnh, oxy và thuốc Covid-19. Tuy nhiên, toàn bộ 7.000 giường trong chuỗi 27 cơ sở y tế của ông đều đã kín chỗ.
"Chúng ta đã mất cảnh giác. Không quốc gia nào đủ sức xử lý khi đại dịch leo thang nhanh và nghiêm trọng nhường này", ông nói.
Hồi tháng 2, khi Covid-19 tạm lắng, chỉ 4% số giường ở Manipal dành cho người nhiễm nCoV. Sau vài tuần, con số tăng lên 65%. Phần còn lại là của các bệnh nhân cấp cứu, tim mạch, ung thư,... Theo ông Pai, bác sĩ và quản lý các bệnh viện đều căng thẳng đến cực hạn.
Sự sụp đổ của hệ thống y tế vốn xuống cấp của đất nước thể hiện rõ qua những bức ảnh đau đớn trên mạng xã hội. Nhiều bệnh nhân Covid-19 nằm chung giường, một hàng xe cấp cứu đỗ bên ngoài bệnh viện ở Mumbai, có những người chết khi chờ đợi oxy y tế. Đường dây nóng hỗ trợ của chính phủ không hoạt động, người dân tìm đến mạng xã hội để chuyển lời tìm kiếm thuốc kháng virus Remdesivir, huyết tương hiến tặng.
Một điểm sáng le lói: lời khẩn cầu của họ đã được đáp lại. Các bài đăng, đoạn video thu hút sự chú ý của chuyên gia công nghệ, tổ chức phi lợi nhuận, thậm chí người nổi tiếng. Diễn viên Bollywood Sonu Sood bắt đầu sử dụng mạng xã hội và tầm ảnh hưởng để huy động suất ăn cho người bệnh, chia sẻ thông tin về giường bệnh và Remdesivir. Họ khuếch đại tiếng nói của cộng đồng yếu thế nhất. Những người hoàn toàn xa lạ đang tình nguyện mang đồ dùng, thực phẩm đến trước cửa nhà bệnh nhân.
Vikas Chawla, đồng sáng lập công ty công nghệ thông tin Social Beat, cho rằng những người chia sẻ thông tin chính xác, có nguồn gốc giữa cơn bão tin tức là anh hùng trong đại dịch.
Thục Linh (Theo Bloomberg)