Quốc gia Nam Á này cần khoảng 120 triệu liều vaccine mỗi tháng để duy trì mục tiêu tiêm 4 triệu liều hàng ngày. Song các nhà sản xuất trong nước chỉ cung cấp đủ 65 triệu liều, dù đã hạn chế xuất khẩu. Người dân đến trung tâm y tế bắt gặp một cánh cửa im lìm và tấm biển "Không có vaccine".
Sau một khởi đầu tưởng chừng thuận lợi, các chuyên gia thắc mắc mắc tại sao Ấn Độ sa lầy trong cả cuộc khủng hoảng Covid-19 và chương trình tiêm chủng chậm chạp.
Trước đó, chính phủ chủ trương thực hiện cân bằng hai chính sách: ngoại giao vaccine và tiêm chủng nhanh chóng cho người dân. Quốc gia là nguồn cung của các nước láng giềng thu nhập thấp lẫn nước phát triển như Anh, Canada, Ả Rập. Viện huyết thanh sản xuất cả vaccine của AstraZeneca và vaccine nội địa. Điều này củng cố hình ảnh của đất nước khi nhu cầu thế giới tăng cao.
Tháng 1, Ấn Độ ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày. Đất nước dần kiểm soát được đợt bùng phát đầu tiên. Xét nghiệm kháng thể diện rộng ở một số thành phố ghi nhận một phần ba công dân có thể đã nhiễm và khỏi Covid-19, quốc gia dần tiến đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Tình hình khả quan hơn khi chính phủ tuyên bố bắt đầu tiêm chủng trong cùng tháng, dự đoán có đủ lượng vaccine để triển khai cuốn chiếu và tiếp tục sản xuất cho đến cuối năm. Nguồn vaccine nhập khẩu dự kiến đến ngay sau khi cơ quan quản lý phê duyệt.
Tháng 2, thành viên đảng Bharatiya Janata (BJP) ca ngợi Thủ tướng Narendra Modi về cách xử lý"bậc thầy" đối với đại dịch. Song họ không biết rằng thành công ban đầu sắp bị vùi dập trong làn sóng thứ hai, quét qua đất nước cuối tháng 3.
Giáo sư K. Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ (PHFI), nhận định: "Chính phủ đã sai lầm khi kết luận rằng quốc gia đã đạt miễn dịch cộng đồng hồi tháng 1, rằng đại dịch kết thúc. Thay vào đó, virus tái bùng phát do biến thể, trong một xã hội cởi mở, nhộn nhịp, nơi nhiều người đã từ bỏ mọi biện pháp phòng ngừa".
Chiến dịch tiêm chủng "nhẹ nhàng", được lên kế hoạch trong tình huống không xảy ra đại dịch, có nguy cơ bị cuốn trôi theo làn sóng lây nhiễm mới, ông Reddy nói thêm. Chính phủ nhận ra vaccine của AstraZeneca và vaccine nội địa Covaxin không đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ.
Những người chỉ trích cho rằng đảng BJP quá tin tưởng vào "sản phẩm nhà làm" Covaxin - vốn đại diện cho chính sách "Ấn Độ tự lực" trong đại dịch - đến mức ngó lơ việc nhập khẩu các loại vaccine khác để bổ sung nguồn cung. Cơ quan quản lý dược phẩm đã nhanh chóng phê duyệt Covaxin trong khi hãng dược Bharat Biotech chưa kết thúc thử nghiệm lâm sàng.
Song Bharat Biotech chỉ đủ khả năng sản xuất 5 triệu liều mỗi tháng. Viện Huyết thanh chịu trách nhiệm cho 60 triệu liều AstraZeneca còn lại. Với mục tiêu tiêm 4 triệu liều mỗi ngày, một số bang đã phản ánh họ không có đủ vaccine vào thời điểm số ca nhiễm gia tăng. Mọi người bắt đầu thắc mắc vì sao Ấn Độ đưa quá nhiều vaccine ra nước ngoài.
Trước đó, thành viên đảng BJP cho biết quốc gia đã xuất khẩu 64 triệu liều vaccine kể từ tháng 1 đến tháng 3. Giáo sư Giridhar Babu, trưởng khoa dịch tễ tại PHFI, nhận định Ấn Độ cần tiêm 7 đến 10 triệu liều mỗi ngày để giảm tỷ lệ tử vong.
"Chúng ta khó lòng đạt được điều này với hai loại vaccine đang có", ông nói.
Hôm 12/4, một số bang yêu cầu New Delhi cung cấp thêm vaccine vì phải đóng cửa một số trung tâm tiêm chủng. Ấn Độ vượt Brazil, trở thành quốc gia có số ca nhiễm nCoV cao thứ hai thế giới. Ngày 16/4, Ấn Độ tăng kỷ lục hơn 217.000 ca nhiễm trong 24 giờ.
Nhận thấy nhu cầu đối với Viện Huyết thanh quá lớn, đặc biệt là sau khi mở rộng tiêm chủng cho người trên 46 tuổi từ 1/4, quốc gia hạn chế xuất khẩu xuống còn 1,2 triệu liều vaccine mỗi ngày.
Theo chuyên gia phân tích chính trị Arati Jerath, nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt là sự chủ quan của nhà chức trách.
"Đất nước đã tụt hậu trong khâu sản xuất, dù là cường quốc vaccine toàn cầu. Chính phủ không lường trước được làn sóng Covid-19 thứ hai, bất chấp cảnh báo và ví dụ nhãn tiền từ châu Âu, Mỹ", ông nói.
Trong khi cả Viện Huyết thanh và cả Bharat Biotech đều yêu cầu cấp vốn để mở rộng sản xuất, chính phủ chưa có phán quyết. Một số nhà phân tích cho rằng mức giá giới chức đưa ra là 150 rupee (2 USD) cho mỗi liều quá thấp so với 250 rupee (3,3 USD) như Viện Huyết thanh yêu cầu.
Lý do khác dẫn đến tình trạng thiếu hụt là do chính phủ quá tin tưởng vào loại vaccine sản xuất trong nước, không đẩy nhanh phê duyệt vaccine nước ngoài như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, và Sputnik V. Chỉ đến ngày 13/4, Ấn Độ mới quyết định phê duye vaccine Sputnik V.
Hiện quốc gia đã tiêm chủng cho 115 triệu người trong 1,4 tỷ dân. Hàng triệu người đến lịch nhận liều hai trong tuần tới tự hỏi liệu có vaccine cho họ hay không. Theo các nhà phân tích, với tốc độ này, phải đến cuối năm 2023, quốc gia mới tiêm đủ cho người dân.
Thục Linh (Theo SCMP)