Hồi tháng 9/2022, khi hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại thành phố Samarkand của Uzbekistan, dư luận thế giới đã hướng sự chú ý vào cách lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Á tương tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đầu năm ngoái phát động chiến sự ở Ukraine.
Năm nay, Ấn Độ trở thành chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh SCO, nhưng quyết định tổ chức sự kiện theo hình thức trực tuyến. Ấn Độ không nêu lý do cho quyết định này, song giới quan sát cho rằng Thủ tướng Narendra Modi, người đang nỗ lực tăng cường quan hệ với Mỹ, có thể muốn giữ khoảng cách với lãnh đạo Nga, Trung và tránh sự chú ý quá mức của dư luận quốc tế như những gì từng diễn ra ở Uzbekistan hồi năm ngoái.
Hội nghị SCO được coi là cơ hội để các thành viên thảo luận về những sáng kiến kinh tế khu vực, cũng là dịp để lãnh đạo các nước thành viên gặp song phương bên lề, vốn được Nga và Trung Quốc xem là biện pháp quan trọng để củng cố vị thế và đẩy lùi ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực. Với các nước Trung Á, đây là diễn đàn để trao đổi các dự án hợp tác với Moskva và Bắc Kinh.
Nhưng sự kiện năm nay tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, kết thúc chiều 4/7 sau khoảng ba tiếng với tuyên bố chung ngắn hơn khoảng 5.000 từ so với hội nghị năm ngoái. Các lãnh đạo không có cuộc gặp song phương bên lề nào, không có ảnh chụp chung, cũng không cùng nhau dự tiệc chiêu đãi.
SCO gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và mới kết nạp thêm Iran, được thành lập năm 2001 để tăng cường an ninh và hợp tác khu vực. Tổ chức do Nga và Trung Quốc dẫn đầu, cả hai nước hiện có quan hệ khá căng thẳng với Mỹ.
"Vừa được đón tiếp nồng nhiệt ở Washington, ông Modi đã phải đi giữa lằn ranh tại hội nghị", Manoj Joshi, thành viên Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên ở New Delhi, nói, đề cập tới chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ cuối tháng trước.
SCO từ lâu được xem là phương tiện để Nga và Trung Quốc quản lý cán cân quyền lực của họ ở Trung Á và thúc đẩy tầm nhìn chung về những gì họ coi là mối đe dọa từ ảnh hưởng của phương Tây.
Giới quan sát cho rằng Ấn Độ không muốn hội nghị thượng đỉnh SCO lần này làm ảnh hưởng tới mối quan hệ đang ngày càng nồng ấm với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, quốc gia đang cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt với Trung Quốc.
Trong khi đó, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trở nên lạnh nhạt kể từ khi tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya bùng phát thành cuộc đụng độ lớn năm 2020 ở khu vực Kashmir khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 quân nhân Trung Quốc thiệt mạng.
Dù hai bên đã tiến hành hơn 17 vòng đàm phán ngoại giao và quân sự trong hai năm sau đó, đụng độ giữa binh sĩ hai nước tiếp tục xảy ra vào tháng 12 năm ngoái tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Arunachal Pradesh, tỉnh ở phía đông bắc Ấn Độ được Bắc Kinh tuyên bố là "Zangnan" hay Tạng Nam.
"Ấn Độ muốn duy trì cơ chế SCO, vì vậy tổ chức hội nghị trực tuyến là giải pháp hợp lý giúp ông Tập và ông Modi không có các cuộc trao đổi căng thẳng về tình hình ở LAC", Aadil Brar, nhà bình luận của The Print, nói.
Ông Brar thêm rằng hai chuyến thăm Ấn Độ gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương diễn ra trong bầu không khí "không thực sự thân mật". Ông Tần hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ vào tháng 5 ở Goa bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng SCO, trong đó hai bên đồng ý cải thiện liên lạc và đối thoại, song vẫn bất đồng về tranh chấp biên giới.
Phía Ấn Độ mô tả tình hình tại khu vực biên giới là "bất thường" và "mong manh", trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định mọi thứ "nói chung là ổn định".
Những gì diễn ra tại hội nghị SCO lần này nỗ lực giảm căng thẳng giữa hai nước không đạt nhiều tiến triển. Ấn Độ một lần nữa từ chối ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc, trở thành quốc gia duy nhất trong số các thành viên cũ của SCO không ủng hộ dự án.
"Kết nối mạnh mẽ là điều rất quan trọng đối với tiến bộ của bất kỳ khu vực nào. Kết nối tốt hơn không chỉ thúc đẩy thương mại song phương mà còn tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau", ông Modi nói. "Tuy nhiên, trong nỗ lực này, điều cần thiết là phải duy trì nguyên tắc cơ bản của hiến chương SCO, đặc biệt tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn khu vực của các nước thành viên".
Một trong những lý do chính khiến Ấn Độ không ủng hộ BRI là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trong dự án đi qua vùng lãnh thổ Kashmir, nơi New Delhi đang tranh chấp lãnh thổ với Islamabad.
"Ấn Độ luôn ở thế khó xử liên quan BRI trong SCO. Họ luôn cho rằng đây là một ý tưởng tồi", Raffaello Pantucci, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nói.
Rahul Gandhi, lãnh đạo đảng Quốc đại Ấn Độ, thừa nhận quan hệ hiện tại giữa Bắc Kinh và New Delhi "rất khó khăn" và dự sẽ tiếp tục gặp nhiều trắc trở trong 5-10 năm tới.
"Trung Quốc đã kiểm soát một số lãnh thổ của chúng tôi", ông cáo buộc. "Nhưng Ấn Độ không thể bị đẩy lùi. Đó là điều không thể".
Trung Quốc từ lâu cũng tuyên bố vấn đề lãnh thổ là "không thể nhượng bộ" và không kỳ vọng quan hệ với Ấn Độ sớm cải thiện hay New Delhi sẽ ủng hộ BRI.
"Ấn Độ không hoàn toàn tán thành BRI và có tầm nhìn riêng với các dự án phát triển hạ tầng. Trung Quốc cũng đã lường trước việc không có sự ủng hộ từ Ấn Độ", Zhu Yongbiao, giáo sư tại Trường Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, nhận định.
Thanh Tâm (Theo CNN, SCMP, Economic Times)