Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nằm ở Đông Bắc châu Á, thành lập từ năm 1948. Theo trang NK News, dưới thời Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) - lãnh tụ đầu tiên, chính phủ Triều Tiên chỉ cho phép biểu diễn các ca khúc tuyên truyền đường lối, chính sách của nhà nước. Nhạc Jazz bị cấm bởi họ cho rằng đại diện cho văn hóa tư sản.
Khi Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) lãnh đạo đất nước năm 1994, ông khuyến khích nhiều thể loại mới phát triển. Triều Tiên lúc này thậm chí thành lập một số ban nhạc Jazz. Ông thành lập ban nhạc The Pochonbo Electronic Ensemble, chuyên hát các ca khúc cách mạng và dân gian. Nhóm được lấy theo tên trận đánh chống Nhật mang tên Pochonbo diễn ra ở Triều Tiên, do ông Kim Nhật Thành chỉ huy, diễn ra ngày 4/7/1937.
Trong thập niên 2000, nhóm phát hành 85 CD, là một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất Triều Tiên. Hiện nay, bài hát Where Are You, Dear General của họ được sử dụng để đánh thức mọi người lúc 6h sáng hàng ngày. Các ca sĩ opera cũng rất được yêu mến ở Triều Tiên. Tờ tiền một won của họ in hình ca sĩ Hong Yong Hee - người thủ vai chính trong phim ca nhạc do cố Chủ tịch Kim Nhật Thành viết kịch bản - Cô gái bán hoa. Phim nói về sự áp bức của Nhật Bản với người dân Triều Tiên.

Một phần sân khấu có thể chứa hàng nghìn người ở Triều Tiên. Ảnh: NSƯT Hoàng Xuân Bình cung cấp.
Triều Tiên đặc biệt chú trọng phát triển âm nhạc, nghệ thuật hàn lâm. Họ nổi tiếng với những dàn giao hưởng, hợp xướng khổng lồ. Truyền thống này được duy trì đến nay. Trẻ em Triều Tiên được học các ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước từ khi còn nhỏ. Ca sĩ Hồng Nhung từng có dịp đến Triều Tiên năm 1998, chị không quên được tiết mục của dàn hợp xướng thiếu nhi nước bạn. "Hàng nghìn em nhỏ khoảng sáu, bảy tuổi. Miệng các em khép, mở đều tăm tắp, tựa như những chú chim non. Khi tiết mục kết thúc, tất cả quan khách nước ngoài đều đứng dậy, nhiều người rớm nước mắt vì thương các nghệ sĩ nhí. Để đạt được trình độ như vậy, các em đã phải khổ luyện, hy sinh rất nhiều từ tấm bé", Hồng Nhung kể.

Các nghệ sĩ Triều Tiên khi biểu diễn. Ảnh: NSƯT Hoàng Xuân Bình cung cấp.
Ông Trương Nhuận - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - ấn tượng với những nhà hát, sân khấu được xây dựng quy củ với sức chứa hàng nghìn người. NSND Quang Thọ đánh giá ngoài âm nhạc hàn lâm, họ phát triển nhiều loại hình như múa dân gian, ballet, xiếc... Tất cả đều chỉn chu, hoành tráng. Thế nhưng âm nhạc giải trí không có cơ hội len lỏi vào quốc gia này.
Xem thêm: Nghệ sĩ Việt kể kỷ niệm lưu diễn Triều Tiên

Màn hình LED khổng lồ chiếu hình lãnh tụ Kim Nhật Thành. Ảnh: NSƯT Hoàng Xuân Bình cung cấp.
Theo Telegraph, Chủ tịch Kim Jong-un là người có gu nghe nhạc hiện đại. Một người bạn học của ông tiết lộ ông là fan của ban nhạc Đức Modern Talking. Ông đặc biệt thích ca khúc Brother Louie.
Vì thế, ngay từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên năm 2012, Kim Jong-un có nhiều cải cách. Ông lập tức thành lập ban nhạc Moranbong - hay còn được gọi là "Dàn nhạc đồi Moran". Nhóm nhạc gồm các thành viên nữ, được truyền thông Triều Tiên xem như một nỗ lực hiện đại hóa văn hóa nước này. Moranbong thường mặc quân phục, biểu diễn trên các sân khấu xa hoa, hát quốc ca với nhạc cụ điện tử. Họ cũng đưa một vài nét văn hóa phương Tây vào các tiết mục. Đôi khi nhóm mặc váy ngắn, có lúc thể hiện ca khúc My Way của Frank Sinatra chứ không chỉ nhạc truyền thống Triều Tiên.
Tạp chí Times giới thiệu nhóm nhạc Moranbong.
Trưởng nhóm Moranbong - ca sĩ Hyon Song-wol - người được ví là Đặng Lệ Quân Triều Tiên - nhất là ông Kim Jong-un ưu ái. Cô từng đại diện Triều Tiên biểu diễn tại Olympic Mùa đông Pyeongchang 2018, tổ chức ở Hàn Quốc. Hyon Song-wol tháp tùng ông Kim Jong-un công du ở nhiều chuyến đi quan trọng, là một trong những người có mặt trên chuyến tàu tới Việt Nam.
Hyon Song-wol hát "Tướng quân và thủy binh".
Với văn hóa K-Pop của Hàn Quốc, ông Kim Jong-un cũng có cái nhìn cởi mở hơn. Tháng 2 năm ngoái, ông và phu nhân tham dự một buổi hòa nhạc gồm các nghệ sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. Theo CNN, sau sự kiện, ông xúc động bắt tay các nghệ sĩ Hàn Quốc, trong đó có các thành viên ban nhạc Red Velvet. Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc lúc đó cho biết lãnh đạo Triều Tiên quan tâm đến lời bài hát và các ca sĩ. Ông đánh giá cao giọng ca nhạc nhẹ Baek Ji Young. Theo Yonhap, cuối buổi trình diễn, ông chụp ảnh kỷ niệm, bắt tay các nghệ sĩ Hàn.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đưa tin ông Kim Jong Un xúc động khi chứng kiến khán giả Triều Tiên nhiệt tình ủng hộ buổi trình diễn của nghệ sĩ hai nước. Ông cũng đánh giá cao sự thể hiện của các giọng ca Hàn Quốc. Ở Triều Tiên, việc nghe K-Pop, xem phim Hàn vốn bị cấm. Hành động thiện chí của ông Kim Jong-un khiến truyền thông quốc tế hy vọng nền nghệ thuật giải trí nước này cởi mở hơn trong tương lai.
Hà Thu