Các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam đang tập luyện chuẩn bị cho chương trình tại Hà Nội chào mừng ông Kim Jong-un đến Việt Nam. Trong những phút giải lao, họ cùng ôn lại kỷ niệm trong các chuyến thăm Triều Tiên nhiều năm trước. Trong ký ức của họ, Triều Tiên là đất nước có nền nghệ thuật hàn lâm phát triển. Mỗi người dân đều yêu ca hát, có năng khiếu âm nhạc.
Dẫn đoàn Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam sang Triều Tiên năm 2012 và 2014, NSƯT Xuân Bình bất ngờ vì từ cô phiên dịch, anh bảo vệ đều hát hay, biết đánh đàn, hiểu biết về âm nhạc. "Họ được bồi dưỡng năng khiếu trong trường học từ nhỏ. Nghệ thuật được đưa vào trường học để sớm bồi dưỡng, chọn lọc nhân tài. Vì thế, mỗi người dân Triều Tiên đều là một nghệ sĩ thực thụ", ông nói. Nghệ sĩ Quang Thọ có cùng nhận định bởi từng chứng kiến nhiều em nhỏ năm, sáu tuổi đọc văn bản bài hát vanh vách, chơi nhạc cụ thành thạo.
Liên hoan Nghệ thuật Mùa xuân Bình Nhưỡng được tổ chức ở Triều Tiên tháng tư hàng năm là nơi quy tụ nhiều tiết mục đặc sắc. NSND Quang Thọ nhớ cách đây 30 năm, ông choáng ngợp khi lần đầu biểu diễn ở nước bạn. "Tôi được đi nhiều quốc gia nhưng chưa có nơi nào khiến tôi ngỡ ngàng như ở Triều Tiên. Họ nổi tiếng với các dàn giao hưởng, hợp xướng khổng lồ, lên đến hàng nghìn người. Thủ đô Bình Nhưỡng có đến ba sân khấu chứa được 5.000 nghệ sĩ. Các nhạc viện cũng có quy mô lớn, chuyên nghiệp. Tôi cũng đánh giá cao nghệ thuật múa, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ballet cổ điển và các yếu tố múa dân gian truyền thống của Triều Tiên. Nhìn chung, nền nghệ thuật hàn lâm của họ có trình độ cao", ông kể.
Các tiết mục đồng diễn của Triều Tiên có độ tinh tế, chính xác cao, đồng điệu đến từng cử chỉ, ánh mắt. Còn sân khấu được dàn dựng khoa học, hiện đại, trong trí nhớ của các nghệ sĩ. "Ở Việt Nam và nhiều nước, ban tổ chức đặt chân micro cho nghệ sĩ biểu diễn. Người Triều Tiên tính toán kỹ lưỡng vị trí đứng của từng người, sau đó, họ thiết kế hệ thống micro tự động. Khi nghệ sĩ lên sân khấu, chân micro được điều khiển để ngoi lên. Âm thanh, ánh sáng của họ cũng theo chuẩn hiện đại hóa từ nhiều năm trước", nghệ sĩ Xuân Bình kể.
Không chỉ với ca, múa, nhạc, một số loại hình văn hóa khác ở Triều Tiên được chú trọng phát triển. NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - từng sang Triều Tiên biểu diễn năm 1993. Ông ấn tượng bởi cách đây gần 30 năm, họ đã có rạp xiếc chứa được vài nghìn người. "Rạp xiếc, nhà hát của họ được xây dựng lâu đời nhưng trang thiết bị hiện đại. Họ sử dụng kỹ thuật tạo khói sân khấu từ trước những năm 1980. Triều Tiên cũng nổi tiếng với các tiết mục xiếc đu dây, nhào lộn, uốn dẻo. Đến nay, họ vẫn là nước giành nhiều giải cao ở các liên hoan xiếc quốc tế".
Các nghệ sĩ Việt Nam chia sẻ họ được lãnh đạo, người dân nước bạn yêu mến. Quang Thọ nhớ trước khi tham dự Liên hoan Nghệ thuật Mùa xuân Bình Nhưỡng 1989, ông được đến gặp gỡ các giáo sư âm nhạc Triều Tiên để nhờ họ tư vấn, góp ý. Khi ông hát, các chuyên gia nước bạn đều trầm trồ. Họ nói: "Ông cứ giữ nguyên phong độ thế này lúc lên sân khấu nhé!". Ngày biểu diễn chính thức, ông vinh dự được hát ca khúc Bài ca trung thành, ca ngợi chặng đường sự nghiệp của tướng quân Kim Nhật Thành. Khi tiết mục kết thúc, ông Kim Nhật Thành là người đầu tiên đứng dậy vỗ tay. Tiết mục sau đó giành cúp vàng liên hoan.
Năm 1993, khi Quang Thọ nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, nhiều lãnh sự ở Đại sứ quán Triều Tiên đến chúc mừng ông. Nhân dịp đó, ông cũng sang Triều Tiên tham dự liên hoan. Nghệ sĩ tiếp tục đoạt cúp vàng với ca khúc Nhớ Giang Nam, song ca với Quỳnh Liên. Bài hát nói về nỗi lòng của mẹ tướng quân Kim Nhật Thành khi tiễn ông lên đường làm nhiệm vụ.
Trong lần đầu tham dự Liên hoan Nghệ thuật Mùa xuân Bình Nhưỡng 2012, ca sĩ Thái Bảo đoạt cúp bạc. "Khi tôi vừa cất giọng hát câu đầu tiên, khán giả liên tục đứng dậy vỗ tay hoan hô, giúp tôi không còn lo lắng, căng thẳng. Người Triều Tiên kiệm lời nhưng nhân hậu, hiền hòa. Họ không vồn vã khi gặp nghệ sĩ mà bày tỏ sự ái mộ qua ánh mắt. Đó là ký ức tôi không thể nào quên", nghệ sĩ hồi tưởng.
Hà Thu