Trên các diễn đàn, nhóm mua bán online, hễ ai đưa ra lời hỏi thăm mua bán mặt hàng không thiết yếu, hoặc manh nha có ý lách luật, nhiều người sẽ nhắc bỏ ý định đó đi. Những trường hợp cố tình đi bộ bảy km buổi sáng để mua bún măng hay dẫn chó ra đường đi dạo, khi bị xử phạt đều được đồng tình.
Quán xá đóng cửa, các loại đồ dùng, đồ ăn vặt đều không còn cung cấp. Các công viên và nơi công cộng chăng dây có người túc trực. Về cơ bản, hầu hết người dân không còn nhu cầu ra đường. Những người còn ra đường lúc này, đại đa số có lý do chính đáng.
Nhưng thực tế, số ca nhiễm mới ở TP HCM vẫn tăng rất cao mặc dù thành phố đã áp dụng giãn cách hơn hai tháng và hạn chế người dân ra đường sau 18 giờ. Một loạt địa phương lân cận cũng áp dụng tương tự.
Lý giải về điều này, các chuyên gia y tế đưa ra hai lý do chính: số ca nhiễm cộng đồng cao và chủng delta có đặc tính lây nhiễm mạnh.
Như vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là hạn chế tiếp xúc hay hạn chế di chuyển?
Tiếp xúc gây ra nguy cơ lây nhiễm virus trực tiếp, còn di chuyển nếu đảm bảo giãn cách và trang bị bảo hộ thì chỉ có khả năng lây nhiễm khi tạo ra tiếp xúc trực tiếp và thường ở khoảng cách dưới hai mét.
Những siêu thị, chợ dân sinh, các cơ quan công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất thiết yếu về cơ bản vẫn tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm trực tiếp hay gián tiếp. Kể cả các biện pháp phát phiếu đi chợ theo ngày, giờ khác nhau cũng chỉ có thể hạn chế chứ không đảm bảo không lây nhiễm virus.
Hạn chế tiếp xúc, gián tiếp hóa tối đa các hoạt động giao-nhận, bằng hình thức điểm giao nhận trung gian, liệu có phải là một giải pháp? Cách mà nhiều nước đã làm, shipper mang hàng đến cửa nhà, bỏ vào thùng trước cửa hay để đó, ấn mã số của thùng chứa hàng hay bấm chuông. Người nhận ra lấy hàng sau khi shipper đã đi, cầm khăn tẩm cồn lau bề mặt hàng hóa.
Nông sản, nhu yếu phẩm sẽ được phân luồng và tập kết tại các điểm trung chuyển, để rồi phân phối lại sau một thời gian đủ an toàn. Chúng ta không thiếu hệ thống kho lạnh. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản những năm qua đã hình thành nên hệ thống đóng gói và trữ lạnh rộng khắp ở hầu hết các vùng chuyên canh từ Nam ra Bắc.
Nhìn rộng hơn là giao thông trên các tuyến quốc lộ. Sự đình trệ đến ngay lập tức khi các phương tiện phải quay đầu ở cửa ngõ một số đô thị lớn, thậm chí không thể lưu thông dù phương tiện chỉ đi qua địa bàn. Như vậy, hệ quả của một số mệnh lệnh, đã hạn chế lưu thông chứ không chỉ là hạn chế tiếp xúc.
Vận tải đường bộ chiếm khoảng 72,3% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa, theo Tổng cục Thống kê. Tính chung 11 tháng năm 2020, vận tải cả nước đạt 1,6 tỷ tấn hàng. Với con số khổng lồ như vậy, sự đình trệ trên quốc lộ ở các cửa ngõ tỉnh thành đang gây tổn thất lớn đến thế nào khi mà chuỗi dịch vụ giao nhận là xương sống của nền kinh tế?
Luồng xanh - các tuyến đường và các loại phương tiện đã được đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên vận tải do Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố cấp - hiện chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được nhu cầu vận tải quá lớn.
Việc nhất định phải có giấy xét nghiệm âm tính, và nó chỉ có giá trị trong 24 giờ đang tạo ra một hoạt cảnh bất lực khi hàng nghìn người đợi xét nghiệm mỗi ngày, vừa vất vả, vừa có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chưa nói, con số 24 giờ hay ba ngày là một khung thời gian rất cảm tính nếu không muốn nói là vô nghĩa, vì chủ thể có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào. Nhưng muốn đi được ra đường, vận chuyển, nửa tờ giấy A4 đó vẫn là bắt buộc.
Chúng ta muốn hạn chế tiếp xúc xã hội vì sợ lây nhiễm, nhưng cách thực hiện lại đẩy người dân vào cảnh đôi khi buộc phải tiếp xúc và gây ra ách tắc khắp nơi. Đại dịch đang đặt ra cả nhu cầu minh định các khái niệm từ trên giấy đến trên đường.
Hai hôm trước, tôi thử đặt một túi thực phẩm qua ứng dụng điện tử. Rất nhanh chóng, đơn hàng được chốt và người chuyển hàng mang tới tận cửa cho tôi sau chừng 20 phút. Tôi hé cửa nhận hàng, thấy người shipper dáng khắc khổ, da đen sạm, quần áo dài tay, khẩu trang, kính mica, mũ bảo hiểm kín mít.
"Làm thế nào mà anh vẫn được chạy?", tôi hỏi, "À, hãng có đăng ký dịch vụ thiết yếu, tôi cũng chỉ chở hàng thiết yếu thôi".
Chữ "thiết yếu" được sử dụng như một cẩm nang để được ra đường. Chỉ ra đường khi có mục đích thiết yếu, và những mặt hàng thiết yếu mới được chuyên chở, mua, bán. Nhưng từ "thiết yếu" lại rất khó cụ thể hóa. Câu chuyện lãnh đạo thành phố Nha Trang xin lỗi một công nhân đi mua bánh mỳ và nước là dẫn chứng điển hình cho "biên độ dao động" của khái niệm này.
Trong tư duy của người ra quyết sách, nếu tách biệt hai mục tiêu "hạn chế tiếp xúc" và "hạn chế di chuyển" sẽ dễ dàng "phân luồng" các nhóm người được ra đường hay không. Thậm chí, nhà chức trách có thể đưa ra danh sách nhóm "ra đường chuyên tiếp xúc" tách biệt với nhóm "ra đường chuyên di chuyển, vận chuyển" kèm theo các điều kiện bảo hộ bắt buộc, rất có thể giảm được áp lực cực lớn của người dân và doanh nghiệp.
Bởi, việc thị dân nào đó vẫn đặt hàng online được túi thực phẩm trong vài km ở thành phố như tôi cho thấy, hạn chế di chuyển không phải giải pháp điển hình.
Gia Hiền