Hiền hiện sống ở quận Gò Vấp. Thời điểm dịch bùng phát mạnh ở quận hồi tháng 5, Hiền cùng chồng nghiêm túc chấp hành hành chỉ thị 16.
Hai vợ chồng và con trai lớn thức trắng đêm tham gia xét nghiệm đại trà do phường tổ chức. Tôi gọi điện, lúc ấy cô còn hăng hái kể: "Cu lớn còn phấn khích vì được xét nghiệm. Em mới đầu hơi khó chịu mũi nhưng cũng ổn".
Hiền đâu ngờ sau đó chỉ vài ngày, cô lại được ngoáy mũi nữa. Một trong những nơi em tôi tình cờ ghé qua có ca F0. Lập tức Hiền được cơ quan cho đi xét nghiệm. Trải nghiệm lần này không dễ chịu mấy. Những ai đang trú tại Gò Vấp được "phân luồng" sang một khu đặc biệt. Thời gian chờ đợi, xét nghiệm lên tới ba tiếng đồng hồ.
Thấy tình hình TP HCM tiếp tục căng, cô chú tôi ở Đồng Nai giục đưa hai cháu về để ông bà trông. Mùa hè, Hiền thường đưa con về nhà ngoại, căn nhà lầu khá rộng rãi có vườn hoa xinh xinh phía trước để con trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên. Tôi cũng thỉnh thoảng đưa con xuống chơi với cô chú. Nhưng Hiền đâu ngờ đường về nhà ngoại bỗng ngàn trùng xa cách.
Nhà xe Đông Nam nghe thấy Hiền ở Gò Vấp lập tức từ chối chuyên chở, "khách ở TP HCM muốn đi xe phải trình giấy xét nghiệm âm tính". Hiền đang băn khoăn không biết có nên đi "ngoáy mũi" lần nữa không thì lệnh phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào Đồng Nai ập tới.
Nếu quyết tâm đưa con về nhà ngoại nghỉ hè, cả gia đình phải đi xét nghiệm. Chưa kể sau đó, hai vợ chồng cô ít nhất một tuần phải xét nghiệm một lần để có thể về Đồng Nai thăm con. Giá xét nghiệm Covid-19 của một bệnh viện quận 10 gần nhà Hiền là 500 nghìn đồng mỗi lần. "Nếu cho bọn trẻ về ông bà, em phải tốt ít nhất vài triệu riêng cho việc xét nghiệm, chịu sao thấu chị?", cô tâm sự.
Phong trào bắt buộc phải có giấy xét nghiệm đã dâng cao ở các địa phương lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng. Mỗi địa phương ban hành thời hạn cho giấy xét nghiệm khác nhau, từ ba đến bảy ngày. Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai ước tính khoảng 10.000 lao động có nhu cầu đi lại thường xuyên giữa ba tỉnh Đồng Nai, TP HCM và Bình Dương.
Với lệnh phải trình giấy xét nghiệm "âm tính" mà Đồng Nai áp dụng, hàng chục tỷ đồng sẽ phải được doanh nghiệp chi ra để xét nghiệm cho người lao động. Đó là chưa kể thời gian họ phải chầu chực làm xét nghiệm, việc di chuyển từ TP HCM tới các địa phương khác đã khó khăn đáng kể do ùn tắc tại các chốt kiểm soát và vô vàn bất tiện mùa dịch. Đòi hỏi này đang trực tiếp làm khổ hàng trăm ngàn người.
Giấy xét nghiệm đã được nhiều quốc gia áp dụng trong khâu nhập cảnh để kiểm soát dịch. Tuy nhiên, du khách hầu hết có thu nhập khá nên chi phí xét nghiệm không thành vấn đề. Hơn nữa, họ chỉ phải làm xét nghiệm một lần để xuất cảnh. Còn với dân thường, cuộc sống vốn đã lao đao sau những ngày dịch giã, việc phải đi xét nghiệm hàng tuần vì sinh kế sẽ khiến họ thêm kiệt quệ.
Các doanh nghiệp cõng thêm chi phí này sẽ gián tiếp đưa nó vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Người chịu thiệt thòi không ai khác vẫn là nhóm yếu thế. Rộng hơn, các hàng rào kỹ thuật mang tính ngăn sông cấm chợ này khiến hoạt động kinh tế tê liệt rất nhanh, gây khan hiếm hàng hóa, có thể góp phần thổi bùng lạm phát và các hệ lụy an sinh xã hội.
Cả nước tới nay chỉ có 156 đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19. Trong đó, TP HCM với gần 10 triệu dân chỉ có chưa tới 30 điểm xét nghiệm. Nhu cầu xét nghiệm đột ngột tăng cao mấy ngày qua trong bối cảnh năng lực xét nghiệm hạn chế đã đẩy người dân vào cảnh phải chen lấn, tụ tập và bị lây nhiễm oan. Việc tư lệnh địa phương này đá quả bóng xét nghiệm sang địa phương khác để bảo toàn lưới nhà trước Covid có thể coi như hành động phản lưới với mục tiêu kép của chính phủ.
Nếu coi nửa tờ giấy A4 có chữ "âm tính" là thẻ thông hành để người dân được đi lại, sản xuất, buôn bán, sinh hoạt, nhà chức trách cần đảm bảo việc xét nghiệm được tiến hành nhanh, thuận tiện, rẻ, thậm chí miễn phí ngay tại các cửa ngõ vào địa phương mình. Nhanh chóng tăng số lượng các đơn vị xét nghiệm, kể cả áp dụng hình thức xét nghiệm lưu động do các trung tâm y tế phường đảm nhiệm, giảm giá xét nghiệm hay miễn phí cũng là nhiệm vụ quan trọng của người quản lý biết nghĩ tới cái khổ của dân.
Kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị xác nhận một người chưa bị phát hiện nhiễm virus vào thời điểm lấy mẫu xét nghiệm. Ngay sau đó, bất kỳ ai đều có thể trở thành F0. Chưa kể, đã có nhiều trường hợp chớm nhiễm nhưng xét nghiệm không ra bệnh do nồng độ virus chưa đủ nhiều.
"Giấy xét nghiệm này không có thời hạn", chuyên gia Trần Đắc Phu nói. Vậy thì, chi phí đắt đỏ, sự phiền phức và hiệu lực ngắn ngủi của nó với ai đó có cần thiết? Theo tôi, các tỉnh nên bãi bỏ đòi hỏi tờ giấy này. Việc bắt buộc xét nghiệm chỉ áp dụng trong một số trường hợp thực sự cần thiết, với người trong những môi trường dễ bị tổn thương như bệnh viện hoặc các chiến dịch quan trọng được tổ chức bài bản bởi chính quyền.
Quản lý bằng mệnh lệnh hành chính nhàn cho chính quyền, nhưng ngược lại, tạo ra sự bị động và tiêu tốn nguồn lực khổng lồ của xã hội. Nhiều người đã đuối sức rồi, liệu có cần bắt họ phải chứng minh sự kiên cường nữa hay không?
Cẩm Hà