Theo quyết định của UBND Bình Dương, Đồng Nai và Bình Phước, từ 18h ngày 28/7, người dân không được ra đường đến 6h sáng, trừ các trường hợp cấp thiết để phòng chống Covid-19. Động thái này được đưa ra khi số ca Covid-19 ở Bình Dương đã tăng lên 8.909, Đồng Nai 2.714 và Bình Phước là 133.
Tại miền Tây, sau Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang cũng không cho người dân ra đường ban đêm từ ngày 27/7; riêng tỉnh Bến Tre từ ngày 28/7.
Các trường hợp được các tỉnh cho ra đường bao gồm: cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng chống dịch; phòng chống thiên tai; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; lực lượng phát hành thư báo; công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các xe chở hàng hóa thiết yếu; xe chở vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu...
UBND các tỉnh này yêu cầu lực lượng chức năng tập trung tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người ra đường không chính đáng, vi phạm quy định phòng chống dịch.
Tỉnh Long An, Bến Tre, Bình Dương... sẽ triển khai việc phát phiếu mua hàng thiết yếu hộ gia đình theo ngày chẵn - lẻ, chia theo khung giờ đi mua để giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người, mỗi khung giờ tối đa là 2 tiếng.
Trước đó, Long An không cho xe máy từ TP HCM và các tỉnh miền Tây qua địa bàn. Để đảm bảo an toàn, TP Cần Thơ và các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau lên phương án đón hàng nghìn người dân địa phương đang bị kẹt tại TP HCM và các tỉnh đông Nam Bộ về quê.
Đến chiều nay, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận 10.651 ca nhiễm, chiếm 9,6% tổng số ca nhiễm cả nước (110.436 ca). Các tỉnh này cùng TP HCM và 5 tỉnh khác ở Đông Nam Bộ đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trước đó, TP HCM đã không cho người dân ra đường ban đêm từ ngày 26/7.
Phước Tuấn - Cửu Long - Hoàng Nam