Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang đã công khai thư xin lỗi và nhận trách nhiệm trong sai phạm của thuộc cấp - phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa - Trần Lê Hữu Thọ với anh Em.
Trong video vụ xử lý vi phạm hành chính theo Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội do chính ông Thọ quay, vị phó phường cho rằng "bánh mỳ không phải lương thực, thực phẩm". May thay, lãnh đạo thành phố đã sớm ra văn bản công khai danh sách hàng thiết yếu và khẳng định, bánh mỳ cũng là thực phẩm thiết yếu.
Đó là một hành động đúng đắn, kịp thời và đường hoàng. Sai thì nhận, nhận là sửa, dứt khoát và thẳng thắn. Ngay lập tức, sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều ý kiến trên mạng xã hội khiến tôi nghĩ đến cách mà chúng ta đang ngập trong tin tức hôm nay.
Trong những ngày cảm xúc hỗn độn này, phải thừa nhận rằng cách hành xử của cán bộ là sai. Từ khóa "bánh mỳ" ngay lập tức gây cười và mếu cho cộng đồng. Điều khác biệt của câu chuyện ở sự sửa sai nhanh chóng sau đó của lãnh đạo thành phố.
Thái độ ấy được đón nhận bởi có lẽ đây là điều không thường xuyên được thấy trong xã hội của chúng ta. Vì thế, tôi thật lòng mong cộng đồng hãy ghi nhận điều đó như một điểm sáng. Bởi hơn lúc nào hết, ngoài chống dịch Covid 19, chúng ta còn phải chống một số loại dịch nữa: Dịch tin giả, tin tiêu cực, và dịch "diễn giải chính sách".
Tin giả, như ta đã biết, đã lộng hành cùng đại dịch từ đầu năm 2020. Tin giả khiến lòng dân hoang mang, gây ra những hoảng loạn không cần thiết. Từ những "tin giờ chót" như quân đội sẽ dùng trực thăng phun khử khuẩn toàn thành phố đến về số người chết vì Covid 19 và bị bệnh viện bỏ rơi. Cơ quan quản lý đã xử phạt không biết bao nhiêu trường hợp nhưng các clip, thông báo giả vẫn len lỏi khắp nơi, trong những nhóm kín, rỉ tai nhau. Tin giả tàn phá hệ miễn dịch của cộng đồng Internet.
Nhưng còn một thứ tin tức được coi là "mồi nhậu" cho cư dân mạng vẫn tồn tại. Nó là biến thể delta của tin giả, là những tin tức dạng "nửa chiếc bánh mỳ - một nửa sự thật". Như câu chuyện đi mua bánh mỳ của công dân Trần Văn Em, nhiều người chỉ nhay đi nhắc lại "bánh mỳ không thiết yếu" mà bỏ qua hành động cầu thị và bức thư xin lỗi chân thành của Thành phố.
Có những tin tức chỉ sống nửa cuộc đời - đến đoạn gây bức xúc là dừng. Như câu chuyện thiếu máy trợ thở tại các bệnh viện TP HCM được chia sẻ điên đảo, nhưng việc chuyển 299 máy thở vào TP HCM hôm 18/7 hay bổ sung 800 máy thở hôm 19/7 gần như bị bỏ qua.
Cách thức nhiều người sử dụng truyền thông xã hội với mục đích xấu, hoặc vô tình chỉ quan tâm tới cái tiêu cực, khiến công chúng bị dắt mũi, gọi là "tin tức mồi nhậu". Những nút share tin xấu trở thành những "nút share mắc dịch", chỉ một nửa sự thật được trưng ra, cốt để tạo cảm xúc và phẫn nộ. Sức công phá của truyền thông dạng này gây ra tâm lý tiêu cực, mất lòng tin lẫn nhau và bào mòn vốn xã hội. Đó mới thực sự là thứ dịch đang lây lan nguy hiểm.
Tai nạn của anh Em còn đặt ra một vấn đề khác, không phải bây giờ mới có, đó là vai trò của các cán bộ các cấp, ở mọi nơi, trong việc thực thi các chủ trương chung.
Với sự phân cấp, phân quyền, các địa phương được độc lập ban hành các chỉ đạo phòng dịch trên địa bàn mình. Từ chỉ đạo chung của cấp trung ương, cấp tỉnh đến người thực thi cuối cùng, nhiều chính sách đã được diễn giải dựa trên năng lực và đôi khi là ý muốn của từng người. Theo như lãnh đạo Thành phố Nha Trang, ông Thọ đã "nhận thức chưa đầy đủ" dẫn đến "xử lý không đúng tinh thần" của Chỉ thị 16.
Khi Hà Nội được "sổ lồng" ngày 22/6/2021 vừa rồi, cửa hàng ăn uống được mở đến 21 giờ. Nhưng có nơi, khi tôi đưa gia đình mình đi ăn tối, xe công vụ của cán bộ phường đi tuần, bắc loa kêu gọi các nhà hàng đóng cửa ngay từ 20 giờ. Các chủ hàng bức xúc nhưng không dám cãi vì "sợ bị họ để bụng, khó làm ăn lâu dài".
Điều khiến tôi thấy vô lý không phải là việc phường yêu cầu đóng cửa sớm hơn quy định mà là giọng điệu quát tháo người dân. Những cán bộ mặt trẻ măng, chỉ khoảng tuổi con cái của nhiều chủ hàng, nhưng cách nói thực sự khiến tôi bất bình.
Tôi hiểu rằng họ đang làm nhiệm vụ vất vả, cùng nỗi lo phòng chống dịch cộng với một số người dân thiếu ý thức, nhưng đó không phải là lý do để có thể quát tháo, nạt nộ. Nếu như tôi cũng giống những kẻ cơ hội câu like, quay clip và tung lên mạng, sẽ có thêm chuyện để xã hội bàn luận. Đưa tin kiểu đó chắc chắn giúp tôi "nổi" mà không lo bị phạt.
Câu chuyện bánh mỳ khiến chúng ta đặt câu hỏi, các khái niệm trong chống dịch hiện nay có được hiểu thống nhất và thực thi nhất quán chưa? Mặc dù ngay sau đó, địa phương ban hành văn bản liệt kê những gì được coi là hàng thiết yếu, nhưng đây cũng là lúc Chính phủ hoặc bộ ngành chức năng đưa ra một hệ thống khái niệm tường minh để áp dụng nhất quán trên cả nước thay vì để mỗi cán bộ thực thi tự hiểu và áp dụng theo cách của mình.
Ở giữa những lằn ranh mập mờ, chỉ người yếu thế bị thiệt. Chúng ta chẳng biết được bao nhiêu tình huống bất công có thể đã diễn ra ở các nơi, có bao nhiêu người thấp cổ bé họng đã trở thành những người vi phạm đáng thương vì các diễn giải tự phát trong thực thi chính sách.
Trong cuốn "Tin tức kiến tạo", nhà báo và diễn giả quốc tế người Đan Mạch Ulrik Haagerup đã đưa ra khái niệm mới về tin tức: tin tốt nhất thế giới. Những câu chuyện của thể loại này như sau: Số trẻ em chết mỗi ngày hiện giảm 17.000 người so với năm 1990; 90% dân số thế giới đã được sử dụng nước sạch; hàng năm diện tích rừng bị chặt phá đã giảm 3,1 triệu mẫu; số người chết vì sốt rét đã giảm 42% kể từ năm 2000.
Những tin tốt trên gần giống với "Liệu pháp hành vi nhận thức" hay còn gọi là "Liệu pháp Crusoe" của nhà báo người Đức Stefan Klein. Hiểu đơn giản, khi nhìn cái ly vơi một nửa hay đầy một nửa, ta sẽ định vị thái độ tiêu cực hay tích cực trước một sự việc. Vì thế, không biết ông Thọ đã xin lỗi anh Em hay chưa, nhưng tôi vẫn nghĩ: "bánh mỳ là tin tốt nhất của ngày".
Hoàng Anh Tú