Chạy nhẹ hay chạy thoải mái (easy run) là bài tập cơ bản với mọi runner. Họ chạy với ngưỡng thoải mái thả lỏng cơ thể. Tập bài giúp thư giãn, hồi phục cơ bắp, nhịp tim, hô hấp, lấy lại năng lượng cho các bài căng thẳng.
Tiến sĩ Ruwanthi Titano, bác sĩ tim mạch hệ thống y tế Mount Sinai (Mỹ) cho biết, những người chạy bộ thường xuyên có nhịp tim thấp hơn kể cả lúc nghỉ ngơi hay hoạt động thể chất cường độ từ nhẹ đến cao. Cũng có nhiều trường hợp nhịp tim tăng vọt ngoài tầm kiểm soát hoặc không tương xứng với tốc độ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số này. Dưới đây là một số lý do chuyên trang Running Women đưa ra, lý giải việc nhịp tim tăng cao khi chạy nhẹ.
Không thực sự chạy nhẹ
Bất kỳ sự tăng cường độ nào cũng kích thích hệ thống thần kinh giao cảm, hormone adrenaline tiết nhiều hơn, làm tăng huyết áp, nhịp tim, nhịp thở. Khi runner chuyển từ đi bộ sang chạy, cơ bắp cần nhiều oxy hơn để tạo ra năng lượng. Lúc này, tim đập nhanh để bơm nhiều máu hơn, tăng lượng máu giàu oxy đẩy qua các động mạch.
Tuy nhiên, sau thời gian, cơ thể thích nghi với cường độ tập luyện sẽ giảm gánh nặng cho hệ tim mạch. "Các cơ khỏe hơn sẽ chiết xuất oxy từ máu tốt hơn, vì vậy lúc này runner không cần nhịp tim cao để cung cấp năng lượng", PGS. TS Elaine Wan, khoa tim mạch và điện sinh lý tim, Đại học Columbia cho hay.
Để biết mình có thực sự chạy nhẹ hay không, runner có thể kiểm tra bằng cách nói chuyện. Easy run là bài tập runner có thể vừa chạy và trò chuyện bình thường, không thở dốc. Nếu có hiện tượng hụt hơi, nên điều chỉnh lại tốc độ.
Thiếu ngủ
Nghỉ ngơi đầy đủ là điều kiện để phát huy hết lợi ích của việc tập luyện. Giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng đến nhịp tim vào hôm sau. Thiếu ngủ cản trở nhịp sinh học bình thường, làm thay đổi lượng hormone như cortisol và adrenaline chảy trong huyết quản. Điều này làm cho tim nhạy cảm hơn với những thay đổi về cường độ, gây ra nhiều sự gia tăng khi chạy hơn bình thường.
Mất nước
Cơ thể thiếu nước làm giảm tổng lượng máu trong cơ thể. Điều này khiến tim cung cấp ít máu hơn trong mỗi lần bơm, vì vậy phải hoạt động nhiều hơn để đủ máu cho cơ bắp.
Ngoài ra, mức độ điện giải cũng đóng một vai trò quan trọng. Các khoáng chất như natri, kali rất cần thiết cho hoạt động bình thường của tim. Khi thiếu nước, thiếu điện giải, mức độ pH trong máu cũng thay đổi, có thể kích hoạt nhịp tim nhanh hơn. Vì vậy, runner cần bổ sung đủ cả nước, điện giải trước, trong và sau khi luyện tập, thi đấu
Thiếu máu
Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy từ phổi qua phần còn lại của cơ thể. Tiến sĩ, runner Raffaele Corbisiero, Chủ tịch khoa điện sinh lý học tại Trung tâm Tim và Phổi Deborah (Mỹ) cho biết, khi thiếu khoáng chất quan trọng này, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp.
Đối với người thiếu máu, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng cách kiểm tra mức độ sắt và ferritin, sau đó bổ sung các đồ giàu chất sắt, uống thực phẩm chức năng để giải quyết vấn đề. Runner nên có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu để biết cơ thể cần bổ sung nhóm chất nào.
Phụ nữ mang thai
Việc nuôi dưỡng em bé trong bụng cần nhiều máu, nên tim cần nhiều nỗ lực hơn để đẩy máu. Hơn nữa, hormone của người có thai thay đổi, kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm làm tăng nhịp tim.
Nhịp tim nghỉ ngơi của hầu hết phụ nữ mang thai tăng từ 20 đến 25 % trong suốt thai kỳ, nhịp tim khi chạy hoặc tập thể dục cũng tăng theo. Vì vậy, với đối tượng này, việc giữ nhịp tim dưới 140 khi vận động không có ý nghĩa.
Tập luyện quá tải
Sức khỏe thể chất và tinh thần là một khối liên kết. Khi cơ thể quá căng thẳng do tập quá tải, hormone cortisol và adrenaline tiết nhiều hơn, dẫn đến tăng nhịp tim. Tập luyện quá sức làm tăng cả nhịp tim lúc nghỉ ngơi và khi vận động. Đặc biệt nó càng nguy hiểm khi vận động cường độ cao.
Tuyến giáp làm việc quá tải
Tuyến giáp ở cổ giải phóng các hormone điều chỉnh nhịp tim, huyết áp và cholesterol. Khi nó không hoạt động bình thường, sẽ những thay đổi trong nhịp tim.
Tiến sĩ Corbisiero cho biết tuyến giáp hoạt động quá mức - còn gọi là tình trạng cường giáp, làm tăng nhịp tim. Ngoài ảnh hưởng đến nhịp tim, cường giáp còn kèm theo các vấn đề khác về tim, gây loãng xương, bệnh về mắt, các vấn đề sinh sản.
Runner cần được kiểm tra, thăm khám nếu thấy nhịp tim tăng khi chạy nhẹ, cùng với đó là cảm giác yếu cơ, khó chịu nhiệt, đi tiêu thường xuyên, run tay chân.
Dùng một số loại thuốc khiến nhịp tim tăng
Các loại thuốc như thuốc hít hen suyễn, thuốc chống trầm cảm và điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể làm tăng nhịp tim.
Sử dụng sản phẩm có caffeine
Caffein là chất kích thích, làm tăng hormone adrenaline và phản ứng của hệ thần kinh giao cảm khiến nhịp tim tăng. Trong hầu hết trường hợp, tiêu thụ cafeine không phải là vấn đề. Tuy nhiên, dùng trên 400 miligam mỗi ngày sẽ làm tăng tác dụng phụ như đau đầu, lo lắng, tim đập nhanh, thậm chí gây nguy hiểm.
Với người chạy bộ, cần theo dõi lượng tiêu thụ caffeine để duy trì nhịp tim ở mức ổn định, để đảm bảo an toàn trong luyện tập, thi đấu.
Lan Anh (theo Running Women)