Tôi hay nghe lý lẽ của các ông chồng rằng "nữ giới khi nấu ăn, dọn nhà, rửa bát... cho chồng con thì không nên tính toán, dễ tan nát gia đình". Còn tôi lại thấy chính vì suy nghĩ đó nên mới lắm vụ ly hôn như hiện nay (và đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta). Trong khi đó, các nước Âu - Mỹ có tỷ lệ ly hôn cao lại rất ổn định (50%). Vì nhiều đàn ông Việt có tư tưởng "không tính toán" nên cũng không bao giờ ghi nhận những thứ vợ đã làm cho mình.
Tỷ lệ nam giới đang trong độ tuổi lao động ở nước ta vào khoảng 86%, ở nữ là 79%, với tỷ lệ thu nhập là 1,14/1. Như vậy, ta sẽ thấy được đàn ông Việt thu nhập gấp 1,2 lần nữ giới (nếu tính tổng sản phẩm và không kể việc nhà). Với thu nhập bình quân đầu người 2.800-3.000 USD/ năm, tạm tính một năm là 66 triệu đồng, thì đàn bà bình quân thu nhập 60 triệu và đàn ông là 72 triệu.
Nếu không tính việc nhà và các công việc chăm sóc không lương, trong điều kiện số lượng người có thể lao động ở cả hai giới là bằng nhau, tức năm triệu/ tháng ở nữ và 6 triệu/ tháng ở nam. Nếu tính thêm các công việc chăm sóc không lương (chăm sóc người già, trẻ em và cả việc nhà), theo số liệu của tổng cục thống kê, thời gian đàn bà và đàn ông làm những công việc này có tỷ lệ từ 3-4 lần, ước giá trị chênh lệch khoảng ba lần.
Với mức lương ôsin trung bình từ sáu triệu đồng mỗi tháng (chưa kể chăm sóc trẻ và người già), ta sẽ thấy, nếu tính việc chăm sóc không lương, tỷ lệ giá trị của nữ và nam sẽ là xấp xỉ 12,5/10. Thế mới thấy, nếu tính giá trị việc nhà trên thực tế, đàn ông đang kiếm ít tiền hơn các bà vợ. Vậy trụ cột gia đình là ai?
>> Tôi không tặng hoa cho vợ ngày 8/3
Hôn nhân thế nào là chuyện của từng người, nhưng đừng cố đánh tráo khái niệm và nên công bằng. Công bằng là gì? Đó là biết ơn và trân trọng giá trị mà họ đóng góp cho bạn, không phân biệt họ là người lạ hay người thân. Không phải vì họ trở thành người thân mà những đóng góp đó trở thành một thứ hiển nhiên, ít giá trị hẳn.
Nếu bạn có thể bỏ tám triệu đồng mỗi tháng, bao ăn ba bữa, để thuê giúp việc toàn thời gian, thì người vợ làm giúp bạn các công việc "lặt vặt" đó cũng xứng đáng được trả công tương tự. Nếu không làm được việc đó thì chính là bất công. Phụ nữ có thể không quan tâm bạn nghĩ gì về đóng góp của họ, đó là việc của họ. Còn bạn luôn phải trân trọng những đóng góp đó bằng cả thân và tâm.
Là một người đàn ông, tôi không nghĩ rằng có người lại thốt ra câu nói rằng "vợ không nên kể công vì chuyện nhà" hay ngược lại với một người đàn bà, không cái gì là tự nhiên mà có cả. Nếu vợ bạn làm chuyện này cho bạn thì bạn cũng nên làm cho vợ việc gì khác tương ứng, và ngược lại. Nhất là trong bối cảnh thực tế, nếu được "kể công việc nhà", giá trị đàn bà làm ra áp đảo đàn ông.
Tôi còn nhớ, 20 năm trước, bố từng dạy tôi rằng: "Là một thằng đàn ông, không nhất thiết phải kiếm tiền giỏi hơn vợ nhưng phải biết bảo vệ vợ con mình, phải giữ an toàn cho cái nhà của mình, đấy mới ra dáng trụ cột gia đình". Không hiểu ngày nay trụ cột gia đình đã bị biến tướng ra sao, khiến người đàn ông thay vì bảo vệ vợ mình, họ lại coi những điều vợ làm cho mình là hiển nhiên. Họ cho rằng vì bản thân làm ra tiền nhiều hơn (dù đôi khi thực tế không phải vậy), nên tự cho mình rất nhiều đặc quyền.
>> 'Phụ nữ không cần ngày 8/3 để được tôn vinh'
Nên dừng suy nghĩ ai đó làm việc gì cho bạn là điều hiển nhiên và không để ý đến giá trị của những việc làm đó. Cha mẹ "bóc lột" con cái, con cái bất hiếu với cha mẹ, mọi điều bất ổn trong xã hội đều từ những chuyện không công bằng mà ra.
Thế kỷ 21, nhiều người đàn ông đã quay về với mác "đàn ông của gia đình" như bố tôi, nhưng cũng có nhiều người, cầm cái bát lên rửa và coi rằng mình đã chia sẻ với vợ. Trong khi thực tế đã chứng minh rằng trung bình người vợ làm việc nhà gấp ba lần chồng.
Các bạn nên tư duy rõ ràng, đừng cố biện minh cho sự vô trách nhiệm của người cùng giới, dù các con số không hề biết nói dối. Giá trị của gia đình, của những người đàn ông "cổ lỗ sĩ" như bố tôi, là cùng vợ con xây nhà, chồng cầm bay thì vợ xúc đá, con trộn cát; là cùng vợ con xây tổ ấm, yêu thương gia đình; cùng vợ đi đến hết cuộc đời khi những đứa con bay đi xây tổ mới.
Bình đẳng giới quá xa xôi và cũng chẳng rõ ràng, nhưng nếu bạn không thể bình đẳng và ghi nhận một cách công bằng trong chính căn nhà của mình, một ngày nào đó, bạn sẽ tiêu xài hết tình yêu ấy.
Thực ra, chuyện tranh cãi nãy cũng chẳng có ý nghĩa gì, khi đàn bà ngày càng ghét kết hôn và tỷ lệ ly hôn vẫn cứ tăng. Nhưng mong rằng, một người "đàn ông chân chính", sẽ không bao giờ thốt lên những lời rằng những việc vợ đang làm cho họ là chuyện đương nhiên.
Tuân Hầm
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.