Bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang, quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao khiến mầm bệnh phát triển, thực phẩm nhanh hư hỏng khi không được bảo quản đúng cách. Mỗi loại virus, vi khuẩn có thể gây ra các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Salmonella
Vi khuẩn Salmonella có hai nhóm gây bệnh gồm thương hàn và không thương hàn. Trong vụ dịch, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn thông qua thức ăn, nước uống hoặc qua trung gian như đồ chơi, tay nắm cửa nhà vệ sinh, van vòi nước...
Nhóm thương hàn bao gồm chủng Salmonella Typhi (thương hàn) và Salmonella Paratyphi A, B, C (phó thương hàn), chỉ gây bệnh trên người. Thời gian ủ bệnh 10-14 ngày, sau đó gây tiêu chảy, sốt, chán ăn, nhức đầu, đau cơ và táo bón. Người mắc bệnh nặng có thể bị rối loạn tri giác, tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Sau khi hết triệu chứng lâm sàng, vi khuẩn tiếp tục được đào thải ra môi trường trong 2-3 tuần nên vẫn có nguy cơ lây nhiễm.
Người nhiễm vi khuẩn salmonella không thương hàn thường do ăn thịt, thịt gia cầm, sản phẩm từ trứng, sữa chưa tiệt trùng, rau sống, trái cây, uống nước chứa mầm bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 6 giờ đến 6 ngày, phát bệnh với các triệu chứng: tiêu chảy, đau quặn bụng, sốt, buồn nôn, nôn, ớn lạnh, đau đầu, có thể xuất hiện máu trong phân.
Tụ cầu vàng
Vi khuẩn thường được tìm thấy trong da và đường hô hấp ở người. Mầm bệnh có thể gây ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa và co thắt dạ dày đột ngột, biến mất sau khoảng 1 ngày.
Vi khuẩn E.coli
E.coli thường có trong các thực phẩm sống hoặc chưa được nấu chín kỹ, ví dụ: thịt bò xay chưa chín, sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng, trái cây và rau sống, nước chưa xử lý.
Vi khuẩn này cũng lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường phân miệng, qua bàn tay, đồ vật nhiễm bẩn. Sau khi vào ruột, E.coli sẽ giải phóng độc tố gây tiêu chảy, trường hợp nặng thường đi ngoài ra máu, đau bụng dữ dội và nôn mửa. Bệnh nhân có thể xuất hiện hội chứng ure tán huyết nguy hiểm tính mạng, với các biểu hiện giảm sản xuất nước tiểu, nước tiểu có màu sẫm hoặc màu trà, mất màu hồng ở má và bên trong mí mắt dưới...
Virus viêm gan A
Virus viêm gan A thường được tìm thấy ở các loài động vật có vỏ sống ở vùng nước bị ô nhiễm hoặc uống nước, thực phẩm chưa nấu chín, đun sôi, món ăn không được hâm nóng sau khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh. Thời gian ủ bệnh khá dài, trung bình 28 ngày và dao động từ 15 đến 50 ngày.
Bệnh có triệu chứng tiêu chảy, tiểu sẫm màu hoặc phân sáng màu, vàng da, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, đau khớp, đau dạ dày, khó chịu ở dạ dày và chán ăn. Bệnh thường kéo dài dưới 2 tháng, có một số người có thể bị bệnh tới 6 tháng. Trong một số trường hợp, đặc biệt ở nhóm trên 50 tuổi hoặc đang mắc bệnh lý về gan, virus có thể gây viêm gan tối cấp và tử vong.
Tả
Vi khuẩn tả lây theo đường tiêu hóa, qua đường nước bị nhiễm bẩn bởi phân người hoặc phân động vật và qua thực phẩm bị nhiễm các tác nhân gây bệnh trong quá trình chế biến hoặc bảo quản, qua bàn tay bẩn và ruồi, nhặng.
Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày, phát bệnh với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy cấp, phân đục như nước vo gạo và nôn mửa, mất nước và điện giải. Bệnh nhân có thể bị trụy mạch và hôn mê, tử vong nếu không điều trị kịp thời. Vi khuẩn vẫn bị cơ thể đào thải ra môi trường trong vòng một tuần sau khi ngừng triệu chứng tiêu chảy.
Rotavirus
Tiêu chảy cấp do rotavirus thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Người lớn có thể mắc bệnh khi tiếp xúc gần với trẻ, song triệu chứng thường nhẹ.
Virus lây truyền qua tiếp xúc phân của bệnh nhân hoặc nguồn nước, thực phẩm và các vật dụng khác chứa mầm bệnh. Sau khi lây nhiễm 1-2 ngày, trẻ có các triệu chứng nôn ói và tiêu chảy, phân lỏng toàn nước. Mức độ tiêu chảy tăng dần trong vài ngày, sau đó giảm bớt, kéo dài từ 3-9 ngày. Trẻ có thể tử vong và trụy tim mạch nếu không được bù nước và điện giải kịp thời.
Để phòng bệnh, bác sĩ Giang khuyến cáo người dân tránh ăn các động vật có vỏ sống hoặc chưa nấu chín, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Gia đình nên tạo thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước chảy trong tối thiểu 20 giây, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ, trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn.
Quá trình chuẩn bị thực phẩm cần phân loại, trữ riêng thực phẩm chín và sống. Khi bị tiêu chảy, người bệnh hạn chế đi bơi, sinh hoạt ở khu vực công cộng, không chế biến thức ăn.
Hiện một số tác nhân gây bệnh như tả, thương hàn, viêm gan A, rotavirus đã có vaccine phòng ngừa, hiệu quả trên 80%. Trong đó, vaccine ngừa rotavirus chỉ định cho trẻ dưới 8 tháng tuổi. Loại phòng viêm gan A dành cho người từ 12 tháng tuổi, có thể sử dụng loại kết hợp phòng viêm gan B trong một mũi tiêm.
Vaccine tả, thương hàn chủng ngừa cho trẻ em và người lớn từ 2 tuổi trở lên. Sau lịch tiêm cơ bản, mũi ngừa thương hàn cần tiêm nhắc mỗi 3 năm một lần, vaccine tả uống nhắc lại sau 2 năm.
Gia Nghi