Vaccine AstraZeneca
Vacine Covid-19 do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vaccine được dùng tại 119 quốc gia, vùng lãnh thổ, với khoảng 980 triệu liều.
Vaccine được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh. Vector vận chuyển vật chất di truyền của nCoV. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.
Ngày 21/5, Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho biết hai liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả 65-90%. Độ bảo vệ giảm nhẹ từ tuần thứ 10 sau khi tiêm liều đầu tiên.
Tại Việt Nam, vaccine AstraZeneca được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 và được triển khai từ tháng 3/2021. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 8.716.290 liều. Đây là vaccine có số lượng sử dụng nhiều nhất tại nước ta.
Vaccine Sputnik V
Vaccine Sputnik V được Nga phê duyệt tháng 8 năm ngoái, sử dụng công nghệ vector. Cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào cơ thể người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Sputnik V được chứng minh là đủ an toàn và hiệu quả, không để lại tác dụng phụ lâu dài và tình trạng dị ứng, hiệu quả 97,6%, dựa trên dữ liệu tiêm chủng thực tế ở Nga kể từ ngày 5/12/2020 đến 31/3.
Hiện, vaccine được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, 49 quốc gia đã sử dụng với tổng khoảng 85 triệu liều.
Tại Việt Nam, vaccine Sputnik V được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Giữa tháng 3/2021, Việt Nam tiếp nhận 2.000 liều do Nga viện trợ và sử dụng cho gần 900 người. Ngày 1/8, Việt Nam nhận thêm 10 nghìn liều do chính phủ Nga tặng.
Vaccine Vero Cell của Sinopharm
Vaccine của Sinopharm được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp hôm 4/6, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp trong tháng 5, ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78.2% và được Trung Quốc cấp phép vào ngày 30/12 năm ngoái. Đến nay, Sinopharm đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang được dùng tại 59 quốc gia, với khoảng 800 triệu liều.
Vaccine Sinopharm của Viện Sinh phẩm Bắc Kinh hiệu quả 79% trong thử nghiệm lâm sàng. Tại thử nghiệm ở các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hiệu quả vaccine lên đến 86%. Từ 2/8, nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 của Sinopharm cho người từ 3 đến 17 tuổi. Hôm 1/8, cơ quan Khoa học Y tế Singapore cho phép bệnh viện tư nhân nhập khẩu vaccine Covid-19 của Sinopharm để đẩy mạnh tiêm chủng phòng chống dịch.
Vaccine Vero Cell được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, mỗi liều 0,5 ml chứa với 6.5U kháng nguyên nCoV bất hoạt, được sản xuất tại Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc tập đoàn dược Sinopharm, Trung Quốc.
Hiện, Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và đang triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai tiêm xong hơn 88.000 liều mũi 1 và sẽ tiến hành tiêm mũi 2 từ ngày 4/8. Chiều 31/7, TP HCM đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm do công ty Sapharco mua.
Vaccine Pfizer/BioNTech
Vaccine này đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Hiện, vaccine được dùng tại 97 quốc gia với khoảng 850 triệu liều.
Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 746.460 liều vaccine Pfizer và đang triển khai tiêm chủng.
Vaccine Pfizer điều chế theo công nghệ mRNA, mang thông tin di truyền của nCoV vào cơ thể, thay vì virus nguyên bản đã bất hoạt hoặc giảm độc lực. Vaccine cung cấp thông tin về "bản mẫu" của virus mà không gây bệnh. Bản mẫu cho phép hệ miễn dịch làm quen mầm bệnh và tiêu diệt chúng sau này.
Ngày 2/4, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vaccine hiệu quả 95,3%, ngăn ngừa cả trường hợp nhiễm nCoV nghiêm trọng. Nghiên cứu công bố cuối tháng 6 cho thấy vaccine Pfizer có thể duy trì phản ứng miễn dịch chống lại nCoV trong nhiều năm.
Vaccine Moderna
Moderna sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 63 quốc gia với khoảng 340 triệu liều.
Vaccine Moderna sử dụng công nghệ mRNA giống vaccine của Pfizer, hiệu quả 90% ngăn ngừa được các ca nhiễm nCoV nghiêm trọng. Ưu điểm của nó là không cần bảo quản cực lạnh, giúp quá trình phân phối dễ dàng hơn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, vaccine Moderna hiệu quả cao với biến thể Delta, nguồn gốc Ấn Độ.
Vaccine Moderna được Việt Nam phê duyệt ngày 29/6. Tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Mỹ viện trợ và đang triển khai tiêm chủng.
Vaccine Johnson & Johnson (J&J)
Vaccine Johnson & Johnson được Bộ Y tế phê duyệt ngày 15/7. Vaccine này do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất, cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 34 quốc gia với khoảng 60 triệu liều.
Vaccine điều chế bằng công nghệ vector virus giống với AstraZeneca, nhưng virus vô hại được sử dụng là adenovirus 26. Ưu thế của vaccine J&J là cơ chế một liều, yếu tố then chốt khi nguồn cung đang hạn chế và có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường, ở nhiệt độ 2,2-7,7 độ C, không cần đến tủ đông siêu lạnh như Pfizer.
Trong thử nghiệm lâm sàng toàn cầu với 44.000 tình nguyện viên, vaccine hiệu quả 66%. Trong thử nghiệm tại Mỹ, vaccine có tác dụng 72% sau 28 ngày. Ở Nam Phi, độ bảo vệ của vaccine giảm xuống còn 64% do biến chủng B.1.351.
Hiện, Việt Nam chưa tiếp nhận vaccine này.
Tính đến sáng 2/8, Việt Nam đã triển khai tiêm gần 6,5 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó gần 650.000 người đã được tiêm đủ hai liều. Bắc Ninh là tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất, với 30,35% người dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tại TP HCM, 21,47% dân số trên 18 tuổi được tiêm. Tỷ lệ này ở Hà Nội là gần 14%.
Thùy An