BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết thời tiết giao mùa xuân - hè là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh truyền nhiễm phát triển, trong đó có thủy đậu. Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận một số chùm ca bệnh, ổ dịch như Hà Nội, Hải Dương, Đắk Lắk.
Theo bác sĩ Phương, bệnh thủy đậu dễ lây lan song đã có vaccine phòng ngừa. 6 câu hỏi dưới đây về vaccine thường gặp, được bác sĩ trả lời để giúp người dân hiểu về chủng ngừa và khai thác mũi tiêm hiệu quả.
- Vì sao cần tiêm ngừa thủy đậu?
Bệnh thủy đậu (trái rạ, phỏng rạ) xuất hiện quanh năm tại Việt Nam, trong đó cao điểm thường vào mùa xuân, từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Lúc này, độ ẩm không khí tăng cao tạo điều kiện cho virus gây bệnh sinh sôi và lây lan nhanh.
Trước khi vaccine được triển khai rộng rãi, có tới 95% dân số mắc thủy đậu. Bệnh kéo dài khoảng 7 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng, lây nhiễm thông qua tiếp xúc với đồ vật mang mầm bệnh hoặc vết mụn nước, dịch tiết từ bệnh nhân qua đường hô hấp.
Thủy đậu là bệnh lành tính tuy nhiên có thể biến chứng từ nhẹ đến nặng như nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết... Virus gây bệnh có thể ngủ đông trong cơ thể, tái hoạt động sau hàng chục năm và gây bệnh Zona.
- Trẻ sơ sinh có mắc thủy đậu không và phòng ngừa thế nào?
Nhiều người cho rằng, thủy đậu lành tính với trẻ em, các biến chứng chỉ xảy ra ở người lớn chưa có miễn dịch hoặc ở trẻ bị suy giảm miễn dịch. Nhiều quan niệm cho rằng trẻ sơ sinh mắc bệnh không đáng lo ngại vì trẻ sẽ có đề kháng với bệnh tự nhiên.
Tuy nhiên, bác sĩ Phương cho rằng đây là quan niệm sai. Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, virus tăng khả năng ngủ đông trong cơ thể, tỷ lệ gây bệnh Zona cao hơn, làm giảm chất lượng cuộc sống nhiều lần. Nghiên cứu cho thấy 30% trẻ sơ sinh tử vong nếu mắc bệnh, 15% sẽ tái phát Zona thần kinh trong 4 năm khiến trẻ trải qua các cơn đau nhức khó chịu.
- Khi nào nên tiêm ngừa thủy đậu?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo "mũi tiêm hiệu quả nhất là mũi tiêm sớm nhất". Do đó, bác sĩ Phương khuyến cáo trẻ em, người lớn cần được chủng ngừa thủy đậu ngay khi có điều kiện, tốt nhất chủng ngừa trước cao điểm dịch bệnh. Mọi người không nên chần chừ hoặc mang tâm lý chờ đợi có dịch mới đi tiêm, làm giảm hiệu quả của mũi tiêm hoặc bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh.
Trẻ em có thể dùng vaccine thủy đậu từ 9 tháng tuổi. Người trưởng thành, sức khỏe tốt, chưa từng nhiễm bệnh có thể chủng ngừa bất cứ lúc nào. Phụ nữ cần tiêm phòng trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng để đảm bảo sinh miễn dịch bảo vệ cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ và những tháng đầu đời.
- Tiêm vaccine thủy đậu đắt tiền có tốt hơn không?
Hiện vaccine chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, do đó cần sử dụng vaccine dịch vụ. Giá tiền phụ thuộc vào từng loại vaccine, tuy nhiên các mũi tiêm đã được chứng minh hiệu quả lên đến 89-98%, hiệu quả sinh miễn dịch với bệnh tương đương nhau.
Vì vậy, mọi người không nên có quan niệm lựa chọn và so sánh vaccine. Việc chỉ định chủng ngừa loại nào sẽ được bác sĩ quyết định dựa trên thể trạng, lịch sử bệnh tật và dùng thuốc, tình trạng dị ứng... và sự đồng thuận của người tiêm.
- Vì sao đã tiêm vaccine vẫn mắc thủy đậu?
Theo BS Trúc Phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đã chủng ngừa song vẫn mắc bệnh. Cơ địa người tiêm không đáp ứng các điều kiện của vaccine nên không tạo miễn dịch tốt nhất. Điều kiện bảo quản không đạt làm giảm chất lượng mũi tiêm. Kỹ thuật chủng ngừa chưa đúng, vaccine quá hạn. Vaccine cũng giảm hiệu quả ở người đang trong thời gian ủ bệnh hoặc đã nhiễm virus, bị suy giảm miễn dịch, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc mắc HIV.
Bên cạnh đó, hiện tượng breakthrough (nhiễm lại) thủy đậu có thể xảy ra đối với một số trẻ khi chủng ngừa một liều vaccine. Một số nghiên cứu cho thấy sau 5 năm, trẻ có nguy cơ nhiễm lại bệnh nhiều hơn, nguy cơ tăng dần theo thời gian do nồng độ kháng thể giảm. Từ tháng 6/2007, Ủy ban Thực hành tiêm chủng Mỹ (ACIP) khuyến cáo cần chủng ngừa 2 liều vaccine để đảm bảo miễn dịch.
- Đang uống kháng sinh có tiêm ngừa thủy đậu được không?
Mũi ngừa thủy đậu sẽ không gây ảnh hưởng hoặc làm giảm khả năng sinh miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, mọi người có thể dùng kháng sinh để điều trị bệnh và chủng ngừa vaccine, tuy nhiên cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Cha mẹ, người thân cần cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe, tiền sử bệnh và loại thuốc đang sử dụng của đối tượng được tiêm chủng. Dựa trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ quyết định có được chủng ngừa hay không và dùng loại vaccine nào hợp lý. Gia đình có thể mang theo hộp thuốc để bác sĩ xem và tư vấn chuẩn xác hơn.
Mộc Thảo