Bác sĩ Lê Thị Gấm, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh Bộ Y tế yêu cầu địa phương chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho trẻ em mùa tựu trường. Theo bác sĩ, một số tỉnh thành ghi nhận nhiều trường hợp sởi, ho gà, bạch hầu - là những bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan thành dịch cao. Gia đình nên chủ động cho trẻ tiêm chủng để tăng cường miễn dịch, tránh mắc bệnh, ảnh hưởng quá trình học tập, phát triển.
Sởi
Vaccine sởi hiện có mặt trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ, sử dụng cho trẻ từ 9 tháng trở lên. Tiêm hai mũi sởi có hiệu quả bảo vệ lên đến 98%.
Sởi lây qua đường hô hấp, nhanh gấp nhiều lần cúm và Covid-19. Một người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người chưa có miễn dịch với bệnh. Bệnh có khả năng dẫn tới biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, về lâu dài có thể gây suy dinh dưỡng, viêm não bán cấp ở trẻ.
Việc phòng bệnh sởi cho trẻ cũng được nhiều chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện ngay. Lý do, nhiều địa phương trên toàn quốc như TP HCM, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang nguy cơ bùng phát dịch sởi rất cao, theo thông tin từ Trung tâm Báo chí TP HCM ngày 21/8.
Ho gà
Hiện không có vaccine ho gà đơn, chỉ có mũi kết hợp phòng ho gà và nhiều bệnh khác như: 6 trong 1, 5 trong 1... Hai năm đầu đời, trẻ cần chủng ngừa 4 mũi vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Khi 4-6 tuổi và 9-15 tuổi, trẻ cần tiêm nhắc vaccine có thành phần ho gà phù hợp, sau đó nhắc lại mỗi 10 năm một lần.
Ho gà lây qua đường hô hấp, đặc trưng là cơn ho có tiếng rít như tiếng gà. Các cơn ho thường kéo dài, không thể dứt, thường kèm nôn khiến trẻ mất sức và có thể dẫn đến ngưng thở. Trẻ nhỏ, đặc biệt nhóm chưa có miễn dịch với ho gà, có thể gặp biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, suy hô hấp...
Tương tự sởi, ho gà thường gặp ở trẻ em, có khả năng lây nhiễm cao. Năm 2024, Cục Y tế dự phòng ghi nhận số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm trước, nguy cơ lây nhiễm trong bối cảnh học sinh quay lại trường học. Vì vậy, cơ quan này cũng khuyến cáo địa phương chủ động phòng bệnh càng sớm càng tốt. Tiêm chủng là biện pháp phòng ho gà cho trẻ nhỏ hiệu quả nhất.
Bạch hầu
Trẻ em nên tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tương tự mũi ngừa ho gà, trong đó đầy đủ các mũi ở hai năm đầu đời và đặc biệt lưu ý nhắc lại khi trẻ 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Lý do, phụ huynh thường quên hoặc bỏ qua lịch tiêm nhắc do khoảng cách thời gian dài.
Bạch hầu lây qua đường hô hấp, đặc trưng với lớp giả mạc trắng xám ở vùng họng của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể gây nhiễm trùng và nhiễm độc, dẫn tới biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do lớp giả mạc lan rộng, viêm cơ tim, viêm thận, viêm phổi...
Nhiều địa phương ghi nhận ca bệnh bạch hầu từ cuối năm 2023 đến nay, trong đó bệnh nhân thường chưa tiêm vaccine hoặc lịch sử tiêm chủng không rõ ràng.
Cúm
Vaccine cúm phổ biến trong tiêm chủng dịch vụ, chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi và cần nhắc lại hàng năm. Mũi tiêm cúm có tỷ lệ bảo vệ 70-90%.
Cúm lây qua đường hô hấp và thường dễ nhầm lẫn với cảm sốt thông thường. Bệnh tự khỏi sau 4-7 ngày, tuy nhiên có thể biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch suy yếu. Trong đó, trẻ nhỏ có nguy cơ mắc cúm cao hơn người trưởng thành 2-3 lần, dễ lây nhiễm ở môi trường đông người.
Phế cầu
Vaccine ngừa phế cầu phổ biến trong tiêm chủng dịch vụ, tiêm sớm nhất cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Mỗi độ tuổi sẽ có phác đồ với số mũi tương ứng. Hiệu quả vaccine lên đến 97%.
Bác sĩ Gấm nhấn mạnh với tất cả vaccine, trẻ cần tiêm đủ liều, đúng lịch, đặc biệt chú ý nhắc lại để duy trì kháng thể ở mức cao. Ngoài ra, phụ huynh cần hướng dẫn thêm cho trẻ cách phòng bệnh cho bản thân như vệ sinh họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sau mỗi lần đi vệ sinh và trước khi ăn, hạn chế chạm vào nơi có khả năng bám giọt bắn của người bệnh như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang.
Vi khuẩn phế cầu lây qua đường hô hấp và thường trú trong vùng họng của 5-90% dân số, trong đó có trẻ nhỏ. Khi miễn dịch suy yếu, mầm bệnh sẽ xâm lấn, gây viêm phổi, viêm màng não hoặc nhiễm khuẩn huyết. Nếu mắc viêm màng não do phế cầu, trẻ có nguy cơ cao gặp di chứng vĩnh viễn như điếc, mù, chậm phát triển trí tuệ, trí nhớ kém.
Nhật Linh
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.